Làng rượu Bàu Đá đỏ rực lửa từ sáng đến tối
Các bếp ở làng nghề nấu rượu Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn, Bình Định) luôn đỏ rực lửa từ sáng đến tối, sản lượng rượu Bàu Đá tăng đáng kể. Bình quân ngày thường cả làng sản xuất 300 - 400 lít rượu, những ngày tháng chạp đến giáp tết sản lượng tăng lên 800 - 1.000 lít/ngày.
Mỗi ngày giáp Tết, lò nấu rượu của chị Phạm Thị Vinh (ở thôn Cù Lâm) cho ra 30 lít rượu Bàu Đá để giao cho bạn hàng, còn ngày thường chỉ khoảng 15 - 20 lít.
Hiện sản phẩm rượu nấu chưng cất ở làng Cù Lâm khá đa dạng và giá cả khác nhau. Như rượu đậu xanh giá bán sỉ là 80.000 đồng/lít, rượu nếp trong 25.000 đồng/lít, rượu nếp đục 50.000 đồng/lít và rượu gạo 22.000 đồng/lít. Rượu ra trong ngày đều có bạn hàng đến mua sỉ hết và chở đi.
|
Để sản phẩm rượu Bàu Đá ngày càng nổi tiếng hơn, UBND tỉnh Bình Định và TX.An Nhơn hỗ trợ mua cấp 34 nồi nấu rượu bằng đồng đỏ từ Bắc Ninh. Nhờ đó, chất lượng và năng suất rượu nấu đạt hơn cách nấu bằng nồi truyền thống và lượng chất đốt tiêu hao để chưng cất mỗi lít rượu thành phẩm ít hơn.
Theo ông Dương Văn Hành, Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất - kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, sản lượng rượu Bàu Đá làng nghề Cù Lâm do 34 hội viên chuyên nấu rượu truyền thống sản xuất 1 năm trên 35.000 lít rượu các loại. Và có 19 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong hiệp hội thu mua, chế biến, đóng chai tiêu thụ trong và ngoài địa bàn TX.An Nhơn.
Rộn ràng làng nghề bánh tráng Trường Cửu
Tại xã Nhơn Lộc, làng nghề bánh tráng Trường Cửu cũng đang rộn ràng đốt lò từ sáng đến chiều để tráng bánh kịp giao hàng cho khách.
Chị Hồ Thị Bảy (ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc) đang vo gạo đã ngâm ủ chuẩn bị đưa vào máy xay bột, thổ lộ: “Ngày thường tráng chỉ 30 kg cả gạo và mì, còn từ đầu tháng Chạp đến giờ tôi tăng sản lượng tráng 30 kg gạo và 30 kg mì, trừ chi phí thu nhập được 300.000 đồng/ngày. Ngoài ra, tôi còn nấu 2 nồi rượu để lấy hèm nuôi 3 con heo nái. Nói chung thu nhập cũng dồi dào. Hiện bánh tráng, tôi bán bánh mè đen giá 50.000 đồng/kg, bánh tráng nhúng 24.000 đồng/kg, bánh cuốn chả ram 40.000 đồng/kg”.
Cả thôn Trường Cửu có 70 hộ làm nghề tráng bánh thủ công, được Quỹ Hỗ trợ nông dân và Quỹ Tín dụng địa phương hỗ trợ cho vay 1,7 tỉ đồng đầu tư làm sân phơi, nhà chế biến, trang bị máy xay bột đáp ứng yêu cầu sản xuất bánh tráng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
|
Làng nghề của đặc sản bún Song Thằn
Rời 2 làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá và bánh tráng Trường Cửu, chúng tôi đến thăm làng nghề bún – bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn), nơi nổi tiếng với đặc sản bún Song Thằn.
Theo ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, làng nghề bún - bánh An Thái có trên 150 cơ sở sản xuất trong diện quy hoạch làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bình Định công nhận. Những năm qua địa phương chú trọng việc xúc tiến quảng bá sản phẩm làng nghề, nhất là bún Song Thằn tại các hội chợ, triển lãm trên toàn quốc, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể làng nghề. Làng nghề đang có bước phát triển mạnh mẽ, đầu ra thuận lợi, nhất là trong những tháng Tết, tạo việc làm cho hơn 800 lao động nông nhàn.
Bà Lê Thị Hằng (47 tuổi), đang làm thuê cho một cơ sở chế biến bún - bánh An Thái, cho hay: “Nhờ làng nghề phát triển sản phẩm làm ra tiêu thụ hết nên chị em chúng tôi có việc làm thường xuyên. Tiền công một buổi được 100.000 đồng; nếu làm buổi chiều và tối nữa, được tính thêm tiền, những ngày cận Tết tiền công cao hơn”.
|
Đối với làng nghề sản xuất bún tươi thôn Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn), những ngày giáp tết không khí làng nghề cũng rộn rã không kém. Bún tươi sản xuất ra được các thương lái thu mua và chuyển đi trong và ngoài địa phương, lên tận các tỉnh Tây nguyên, vào TP.HCM. Cả làng nghề có 20 hộ đầu tư sản xuất bún bằng máy móc và 70 hộ vừa kinh doanh vừa sản xuất bún, tạo việc làm ổn định cho gần 150 lao động với thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)