Các ngân hàng lớn chán ghét cảnh EU không có nước Anh

16/02/2016 07:32 GMT+7

Nhiều nhà băng thế giới không thể chịu được ý tưởng một Liên minh châu Âu (EU) không có nước Anh. Tính đến hiện tại, giới phân tích ở các ngân hàng lớn đang cố gắng thoát khỏi kịch bản “Brexit” đáng sợ này.

Nhiều nhà băng thế giới không thể chịu được ý tưởng một Liên minh châu Âu (EU) không có nước Anh. Tính đến hiện tại, giới phân tích ở các ngân hàng lớn đang cố gắng thoát khỏi kịch bản “Brexit” đáng sợ này.

Ảnh: ReutersẢnh: Reuters
Theo CNN, ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs của Mỹ cho hay chuyện nước Anh rời khỏi EU, hay “Brexit”, có thể khiến đồng bảng Anh lao dốc đến 20%. Ngân hàng này đã đổ hàng trăm ngàn bảng Anh cho chiến dịch kêu gọi nước Anh ở lại Liên minh châu Âu.
Nhà băng Nhật Bản Nomura thì cảnh báo việc “Brexit” thậm chí có thể đẩy nước Anh vào suy thoái 2% so với mức đỉnh điểm. Ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính Anh quốc sẽ thiệt hại khoảng 0,6% đến 2,8% GDP nếu rời khỏi EU.
Nhiều nhà băng đang lo lắng về “Brexit” vì họ xem nước Anh là bàn đạp cho chuyện kinh doanh trên toàn châu Âu. Việc Anh “ra đi” có thể phá vỡ mối liên kết trên.
Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa với người dân Anh rằng sẽ thực hiện cuộc bỏ phiếu về việc đi hay ở vào năm 2017. Ông Cameron cho hay ông sẽ vận động để nước Anh ở lại EU, kêu gọi các doanh nghiệp quay lưng với việc “Brexit”.
Trong khi người dân Anh đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề trên, các ngân hàng thế giới đã thể hiện rất rõ quan điểm của họ. Deutsche Bank cho hay nhà băng này có thể di chuyển hoạt động kinh doanh của họ ra khỏi Anh nếu nước này quyết định rời khỏi EU.
Trong khi ngân hàng HSBC hôm 15.2 cho biết họ vẫn sẽ giữ trụ sở chính tại London (Anh), các sếp nhà băng vẫn ám chỉ khả năng đưa “công ăn việc làm và các hoạt động” đến thủ đô Paris (Pháp) nếu “Brexit” thực sự xảy ra.
JPMorgan Chase thì cảnh báo rằng ngân hàng này và các hãng tài chính khác cũng có thể rời đi, dẫn đến việc “chuyển công ăn việc làm ra khỏi nước Anh”. Citibank còn đi xa hơn khi cho rằng kịch bản “Brexit” sẽ khến Anh mất 75.000 việc làm tính đến năm 2030.
Chuyện các nhà băng lớn nhận định thế nào về vấn đề “Brexit” là quan trọng, vì lĩnh vực tài chính là chìa khóa cho nền kinh tế Anh quốc, chiếm 8% GDP nước này và 3,4% toàn bộ việc làm trên đất Anh.
Thủ đô London có vị trí số một thế giới cho các giao dịch ngoại hối, với hơn 40% giao dịch toàn cầu thực hiện ở thành phố này. Nước Anh có lĩnh vực ngân hàng lớn thứ tư và lĩnh vực bảo hiểm lớn thứ ba toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.