Các nhà khoa học nói gì về sai sót của GS Phan Thanh Sơn Nam?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
09/03/2021 21:52 GMT+7

Theo những nhà khoa học có thời gian dài làm nghiên cứu, sự việc sai sót từ nhóm nhiên cứu của GS Phan Thanh Sơn Nam là rất đáng tiếc và việc sửa lại là tất yếu.

Vừa qua, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có đăng tải bài viết liên quan đến GS Phan Thanh Sơn Nam, trong đó có nội dung tố ông gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau trong một số bài báo khác nhau không liên quan (xuất bản từ năm 2014-2020).
Liên quan đến chuyện này, ngày 8.3, GS Phan Thanh Sơn Nam có chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng đây là kinh nghiệm xương máu trong quá trình nghiên cứu. Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần phụ lục (SI), là sai. Xưa nay anh vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai và đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng. Hiện tại, nhóm nghiên cứu sẽ phải lặp lại rất nhiều thí nghiệm để sửa sai cũng như sau này sẽ phân công riêng một tiến sĩ kiểm tra phần SI cũng như kiểm tra chéo với nhau trong nhóm. 
Nói về câu chuyện của GS Phan Thanh Sơn Nam, theo GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ), "luật chơi" trong nghiên cứu khoa học là nếu đã dùng dữ liệu viết 1 bài báo thì khi viết bài báo trện một tạp chí khác, phải xác nhận rằng những thông tin viết trên bài báo này không xuất bản ở nơi nào khác.

Vẫn có thể cho phép sửa sai

Tuy nhiên, theo GS Thành, sẽ có một số trường hợp xảy ra. Đó là một công trình nghiên cứu có thể dài hạn, có nhiều khía cạnh phân tích, cần nhiều bài báo. Vì vậy, người viết dùng hệ thống xuất bản 1 bài báo, sau đó xuất bản thêm 1 bài khác nữa… Để viết vậy, trên bài báo thứ 2, cần có tóm lược lại bài đầu tiên và cho biết đã sử dụng dữ liệu này. "Làm điều này để người biên tập, người đọc biết người viết đã sử dụng dữ liệu này trong một bài báo khác trước đó và có thể dễ dàng tìm đọc bài báo đã đăng", GS Trương Nguyện Thành nhận định.
"Ở vụ việc của GS Phan Thanh Sơn Nam, tôi chưa đi sâu vào để đánh giá được. Nhưng nếu thật sự có sai, tạp chí vẫn có thể cho phép sửa sai. Chẳng hạn sau một thời gian, trưởng nhóm nghiên cứu phát hiện ra nghiên cứu sinh, người trong nhóm làm không đúng thì có gửi đề nghị sửa sai bài báo" - GS Thành cho biết.

Theo GS Trương Nguyện Thành, điều này cũng chứng tỏ việc "canh cửa" của trưởng nhóm nghiên cứu chưa tốt. Ở các nhóm nghiên cứu nổi tiếng, người trưởng nhóm luôn rất cẩn trọng và để ý rất kỹ. "Thường những giáo sư có kinh nghiệm lâu năm trong nghiên cứu chỉ cần nhìn vào bài báo là có thể thấy được vấn đề. Họ cũng phải kỹ lưỡng vì trong giới học thuật, sai sót có thể gây ra những hậu quả rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tên tuổi của nhóm nghiên cứu đó", GS Thành nêu quan điểm. 

GS Phan Thanh Sơn Nam đưa ra lời xin lỗi cho sai sót trong nhóm nghiên cứu của mình.

Ảnh chụp màn hình

Tình trạng này xảy ra khá thường xuyên 

Theo một giáo sư đang làm ở nước ngoài có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tình trạng sao lại hình ảnh về kết quả thí nghiệm trong các bài báo khoa học xảy ra khá thường xuyên. Theo một phân tích trên Molecular Cell Biology thì khoảng 6% các bài báo khoa học có dấu hiệu sao chép hình ảnh một cách không thích hợp. Thường thì tập san có 2 hướng giải quyết. Hướng thứ nhất là yêu cầu tác giả chỉnh sửa lại cho đúng. Hướng thứ hai là nếu hình ảnh có dấu hiệu nguỵ tạo thì sẽ rút lại bài báo.
"Nếu cho rằng tác giả có quyền dùng lại kết quả nghiên cứu thì không đúng. Mỗi bài báo nguyên thủy phải báo cáo kết quả mà trước đó chưa báo cáo ở đâu. Nếu bài báo là tổng quan (không phải nghiên cứu) thì tác giả có thể sử dụng kết quả và hình ảnh cũ, nhưng phải có sự phê chuẩn của nhà xuất bản. Khi công bố bài báo trên một tập san theo mô thức truyền thống thì tất cả hình ảnh, biểu đồ và bảng số liệu thuộc bản quyền của nhà xuất bản. Dù đó kết quả của mình, nhưng tác giả nếu muốn dùng vẫn phải xin phép nhà xuất bản", nhà nghiên cứu này phân tích.
Vị giáo sư này kể lại một câu chuyện: "Kinh nghiệm của tôi khi làm biên tập là có lần giải quyết một vụ tương tự của một nhóm tác giả Trung Quốc. Nhóm này công bố một kết quả trong 2 bài báo trên 2 tập san khác nhau. Lúc đó tôi không biết giải quyết sao vì chưa có kinh nghiệm và lần đầu gặp vấn đề, nên hỏi cấp cao hơn là tổng biên tập  thì ông ấy nói: nên cho tác giả 4 tuần để giải trình, nếu được thì giữ bài báo, nếu giải trình không ổn thì rút lại. Cuối cùng thì cả 2 tập san đều rút lại bài báo đã đăng này.  Mỗi tập san có một chính sách riêng, nên khó nói hướng giải quyết cho từng trường hợp cụ thể".
GS Nam là người tốt và không nên làm gì tổn hại đến một người như vậy

Là người trong giới nghiên cứu, vị giáo sư đang làm ở nước ngoài có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cho rằng  theo dõi GS Phan Thanh Sơn Nam và nhóm nghiên cứu và với những gì thấy được, ông nghĩ GS Nam là người tốt và không nên làm gì tổn hại đến một người như vậy.

 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.