Một nghiên cứu mới khám phá mối liên quan giữa các mức độ hoạt động hằng ngày và nguy cơ bị đột quỵ.
Nghiên cứu này tập trung nghiêm ngặt vào nguy cơ đột quỵ, không giống như các nghiên cứu khác xem xét cả bệnh tim và đột quỵ.
Nghiên cứu cho thấy cứ 1 giờ thực hiện các hoạt động nhẹ giúp giảm 14% nguy cơ bị đột quỵ |
Shutterstock |
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Virginia J. Howard, Giáo sư xuất sắc tại Trường Y tế Công cộng tại Đại học Alabama (Mỹ), cho biết: Mặc dù bệnh tim và đột quỵ có chung một số yếu tố nguy cơ, nhưng không phải giống nhau tất cả.
Ngoài ra, đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Steven P. Hooker, từ Trường Y tế Đại học Bang San Diego (Mỹ), lưu ý rằng mặc dù rất khó để xác định số lượng và cường độ hoạt động thể chất cần thiết để ngăn ngừa đột quỵ, nhưng nghiên cứu này mang lại một số tiến bộ đáng kể.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí y khoa JAMA Network Open, cho thấy thời gian ngồi ít hơn và thời gian hoạt động thể chất nhiều hơn - ngay cả ở cường độ nhẹ hoặc trung bình, đều giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Hoạt động thể chất nhẹ cũng làm giảm nguy cơ đột quỵ
Hoạt động thể chất trong nghiên cứu được chia thành 3 loại: nhẹ, vừa phải và mạnh mẽ.
Loại nhẹ bao gồm vươn vai, đi bộ chậm, đi mua hàng, lang thang trong văn phòng, đứng, nấu ăn, rửa chén hoặc dọn giường.
Nghiên cứu cho thấy cứ 1 giờ thực hiện các hoạt động nhẹ giúp giảm 14% nguy cơ bị đột quỵ.
Đặt hẹn giờ để đứng lên đi lại mỗi 20 - 30 phút một lần trong ngày làm việc |
Shutterstock |
Mức độ hoạt động càng tăng, nguy cơ đột quỵ càng giảm
Các hoạt động vừa phải, bao gồm đi bộ nhanh, chơi quần vợt đôi hoặc bóng rổ, đạp xe, leo cầu thang, lau cửa sổ, quét nhà, lau nhà hoặc hút bụi, rửa xe hoặc làm vườn.
Hoạt động mạnh mẽ bao gồm chạy nhanh hơn 8 km/h, đá banh, bơi lội, mang vác nặng, nhảy dây, đùa giỡn với trẻ em, xúc hoặc cuốc đất.
Kết quả cho thấy, hoạt động từ mức độ vừa phải đến mạnh 175 phút mỗi tuần giúp giảm 43% nguy cơ bị đột quỵ ở người từ 45 tuổi trở lên, theo Medical News Today.
Càng ngồi nhiều, nguy cơ đột quỵ càng cao
Nghiên cứu đã phát hiện thời gian “ngồi một chỗ” từ 13 giờ trở lên mỗi ngày làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 44%, theo Medical News Today.
Ngoài ra, những lần ngồi kéo dài hơn 11 phút làm tăng 53% nguy cơ đột quỵ so với những lần ngồi ngắn hơn 8 phút.
Như vây, kết quả cho thấy, chia nhỏ thời gian ngồi theo định kỳ bằng các hoạt động thể chất nhẹ cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Tiến sĩ Hooker khuyên nên tập thói quen đứng lên và tham gia các hoạt động nhẹ. Nếu kết hợp được với các hoạt động vừa phải đến mạnh thì càng tốt.
Bằng cách đặt hẹn giờ để đứng lên đi lại mỗi 20 - 30 phút một lần trong ngày làm việc. Tăng cường hoạt động nhẹ bằng cách đi bộ nhiều hơn, theo Medical News Today.
Bình luận (0)