"Tất cả chúng tôi đều sợ" - Jared Sine, giám đốc pháp lý của Match Group thừa nhận trước Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ.
Phiên điều trần quy tụ đại diện từ Apple, Google và một số nhà sản xuất ứng dụng như Spotify, Match Group (chủ sở hữu Tinder) và Tile (công ty sản xuất thiết bị tìm đồ vật tương tự AirTag).
Trong suốt buổi điều trần, các nhà sản xuất ứng dụng tỏ ra lo sợ việc Apple hoặc Google có thể dễ dàng loại bỏ doanh nghiệp của họ bằng cách thay đổi vài quy định trên cửa hàng ứng dụng. Họ cũng phàn nàn Apple, Google tính phí hoa hồng cho việc mua thêm tính năng trong ứng dụng (in-app purchase) quá cao và thực thi các tiêu chuẩn không rõ ràng.
Hành vi đe dọa
Các công ty ứng dụng cáo buộc Apple và Google đe dọa doanh nghiệp của họ. Ông Jared Sine cho biết Google gọi Match Group hôm 20.3 để hỏi tại sao lời khai của ông lại khác với những gì hai bên trao đổi trước đó. Trong cuộc gọi báo cáo tài chính, Match Group đồng ý chia 30% phí mua tính năng trong ứng dụng cho Google Play. Nhưng trong lời khai, Match phàn nàn Google "vờ làm một nền tảng mở" và lên án "sức mạnh độc quyền" của Google.
Wilson White - giám đốc chính sách công và quan hệ chính phủ của Google cho rằng các nhân viên của Google chỉ liên lạc với Match Group để "hỏi một câu trung thực" chứ không đe dọa. Wilson White khẳng định "chúng tôi sẽ không bao giờ đe dọa đối tác của mình" vì Google vẫn cần họ để phát triển cửa hàng ứng dụng.
Horacio Gutierrez - giám đốc pháp lý Spotify có thể liệt kê "ít nhất 4 lần bị đe dọa trả đũa" kể từ khi Spotify lên tiếng về hành vi phản cạnh tranh của Apple. "Nhà táo khuyết" từng đe dọa xóa Spotify, ngừng quảng bá, và công ty phải đợi hàng tháng để được Apple duyệt các bản cập nhật ứng dụng.
Phí cao và sản phẩm cạnh tranh
Họ cũng phàn nàn về mức phí hoa hồng mà hai "đại gia" công nghệ đặt ra cho những lần khách hàng mua tính năng trong ứng dụng. Ví dụ, Apple vừa thu 15 - 30% phí từ Spotify, vừa vận hành dịch vụ Apple Music để cạnh tranh.
Tuy nhiên, đại diện của Apple và Google khẳng định phí hoa hồng là để duy trì nền tảng phân phối ứng dụng. Không thể phủ nhận các nhà sản xuất ứng dụng từng rất chật vật để phân phối sản phẩm của mình trước khi App Store hay Google Play xuất hiện.
Các nhà phát triển ứng dụng cũng lo lắng khi Apple tung ra sản phẩm cạnh tranh. Ví dụ, Kirsten Daru - tổng cố vấn Tile cho biết công ty đã xin Apple cấp phép sử dụng công nghệ băng thông siêu rộng trên iPhone để cải thiện công nghệ theo dõi đồ vật sẵn có của Tile. Apple từ chối cấp phép, rồi âm thầm phát triển AirTag sử dụng công nghệ tương tự.
Apple đang mở cửa cho bên thứ ba truy cập Find My để xây dựng dữ liệu vị trí chính xác hơn, nhưng Daru cho rằng việc đó sẽ khiến "Apple nắm quyền kiểm soát chưa từng có đối với doanh nghiệp của chúng tôi, hướng khách hàng đến Find My để tìm đồ bị mất".
Phía Apple khẳng định AirTag là sản phẩm độc lập với Tile, chưa kể Tile cũng đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực này và việc có thêm công cụ mở cho các nhà phát triển bên thứ ba sẽ khuyến khích cạnh tranh hơn.
Tiêu chuẩn không rõ ràng
Những công ty khác tiếp tục phàn nàn Apple thực thi các quy tắc trên App Store một cách tùy tiện. Đôi khi Apple sẽ trì hoãn ra mắt các tính năng chính trên ứng dụng, lấy lý do các nhà sản xuất bên thứ ba vi phạm quy tắc, nhưng không hướng dẫn họ cần làm gì để khắc phục vi phạm.
Jared Sine cho biết Tinder định cập nhật phiên bản bảo vệ người dùng LGBTQ+ nhưng phải mất hai tháng và một cuộc thảo luận thì Apple mới chịu cập nhật ứng dụng.
Các nhà sản xuất nhấn mạnh họ phải phụ thuộc vào cửa hàng ứng dụng để tiếp cận người dùng, tuy nhiên, những gì thực sự diễn ra không phải mối quan hệ cộng sinh như Apple và Google mô tả.
Ông Gutierrez bức xúc: "Chúng tôi không thành công vì những gì Apple đã làm. Nhưng chúng tôi đã thành công bất chấp sự can thiệp của Apple. Và chúng tôi có thể thành công hơn nữa nếu không có hành vi phản cạnh tranh của họ".
Bình luận (0)