Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đang rà soát lại một số luật theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao chủ trì, trong đó có luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Việc rà soát các luật nằm trong chương trình đánh giá định kỳ theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu các địa phương, bộ, ngành có ý kiến về việc đánh thuế với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản thì Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo lên.
Dựa trên ý kiến các bộ, ngành, địa phương và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng kết, đánh giá lại 2 luật này và từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế bất động sản. Việc cải cách luật sẽ đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế tài sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 - 2030.
Đánh thuế tài sản có thể chống đầu cơ, lướt sóng bất động sản? |
ngọc thắng |
Trên 90% quốc gia đánh thuế tài sản
Tại hầu hết các quốc gia có đánh thuế tài sản thì khoản thuế này là nguồn thu chính của chính quyền. Số tiền này được phân chia dựa theo nhu cầu của từng khu vực, theo yêu cầu của cộng đồng địa phương. Về cơ bản, thuế tài sản được dùng để cung cấp các dịch vụ như giáo dục, giao thông công cộng, công viên hay thư viện thành phố…
Ở thời điểm hiện tại, đã có trên 90% quốc gia trên thế giới thực hiện việc thu thuế tài sản dưới nhiều tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách quốc gia. Theo thống kê của Bộ Tài chính, thuế tài sản chiếm tỷ trọng từ 3 - 4% so với tổng thu thuế của các quốc gia phát triển, cá biệt có một số nơi chiếm tới 8% như Nhật Bản. Có thể thấy rằng, thuế tài sản không chỉ có vai trò bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định mà còn nâng cao chất lượng đời sống của người dân, điều tiết kinh tế vĩ mô.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có luật thuế tài sản rất nghiêm ngặt, đặc biệt là đánh thuế rất cao với bất động sản thứ 2. Cụ thể, kể từ năm 2013, chủ sở hữu bất động sản thứ 2 chịu thuế 7% giá mua nhà, 10% với bất động sản thứ 3.
Tại Thái Lan, luật Thuế đất và công trình trên đất có hiệu lực từ 1.1.2020 đánh thuế tài sản theo lũy tiến của diện tích đất. Thuế lũy tiến tính theo giá trị thẩm định tài sản và có phân loại theo mục đích sử dụng của tài sản, như tài sản sử dụng để ở, tài sản sử dụng cho mục đích thương mại.
Ở Indonesia, thuế suất thuế bất động sản do chính quyền quyết định với mức thuế suất là 0,5% tính trên giá trị đất đai và tài sản đi liền với đất. Mức thuế suất này được áp dụng thống nhất trong cả nước và đối với mọi loại bất động sản. Luật Thuế bất động sản quy định một tỷ lệ ấn định áp dụng đối với giá trị bất động sản để xác định giá trị tính thuế cuối cùng.
Thuế tài sản là gì?
Thời điểm hiện nay, nước ta chưa có luật về thuế tài sản điều chỉnh các loại tài sản có khả năng chịu thuế. Do đó, khái niệm thuế tài sản vẫn còn mang tính trừu tượng, chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới nhìn nhận thuế tài sản (property tax) là loại thuế hàng năm đánh vào giá trị tài sản ròng của cá nhân hay pháp nhân và là thuế đánh vào việc nắm giữ tài sản của cá nhân hay pháp nhân. Thuế tài sản có các đặc điểm chung là loại thuế trực thu và mang tính chất bắt buộc nộp vào ngân sách nhà nước. Thuế tài sản mang tính chất là loại thuế hỗ trợ cho thuế đánh trên thu nhập, góp phần chống đầu cơ.
Sở hữu bất động sản thứ 2 bị đánh thuế cao
Ở một số quốc gia khác tại châu Á như Hàn Quốc, thuế tài sản được phân chia theo các danh mục bất động sản khác nhau. Theo đó, chính phủ Hàn Quốc áp thuế 0,15 - 0,5% đối với nhà riêng; 0,25% đối với nhà chung cư; 4% đối với biệt thự, nhà trong khu sân golf. Đài Loan áp thuế 1,2 - 2% đối với nhà chung cư; khoảng 1,4 đối với nhà riêng; 3 - 5% đối với công trình thương mại.
Tại Mỹ, thuế tài sản áp rất mạnh khi bán bất động sản hay sở hữu bất động sản thứ 2. Về thuế khi bán bất động sản, Sở Thuế vụ Mỹ phân loại rất rõ ràng giữa nhà ở sinh hoạt và nhà mua với mục đích đầu tư. Mức thuế này dao động ở mức 2,35% giá trị nhà nhưng bất động sản thứ nhất phục vụ mục đích sinh hoạt chịu thuế rất thấp, thậm chí là miễn thuế với nhà ở có giá trị dưới 250.000 USD/ một người Mỹ sở hữu. Riêng bất động sản từ thứ 2 trở đi sẽ không có bất kỳ việc giảm thuế nào.
90% các nước trên thế giới đều đã đánh thuế tài sản |
T.N |
Với một quốc gia đã và đang trải qua hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản như Trung Quốc, thuế tài sản là một công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường. Cụ thể, những cá nhân sở hữu bất động sản thứ 2 chịu thuế 1,2% dựa trên giá trị nhà. Theo Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình: “Nhà là để ở, không phải đề đầu cơ tích trữ".
Trên thực tế, việc thu thuế tài sản ở Việt Nam đã hình thành từ rất lâu với một số loại thuế như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy vậy, số tiền thuế tài sản được nộp vào ngân sách chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP, thấp hơn hàng trăm lần so với các quốc gia châu Á (tỷ lệ thu thuế tài sản/GDP ở các nước đang phát triển ở khu vực châu Á là 2%/GDP).
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết: “Về mặt quản lý, sắc thuế tài sản, phổ biến nhất là thuế bất động sản được thực hiện ở các nước G7, OECD, hay các nước công nghiệp mới. Hiện nay, hội nhập kinh tế mở toang, đến lúc giảm toàn bộ thuế xuất nhập khẩu, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng rõ rệt. Nếu Việt Nam đưa ra sắc thuế này sẽ tăng thu cho ngân sách địa phương, cứu cánh ngân sách. Đây là thông lệ quốc tế, Việt Nam không thể lừng chừng mãi được”.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, dựa trên thực tiễn của nhiều nước trên thế giới, việc áp thuế với đối tượng đất và nhà không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích không hề ảnh hưởng tới phần lớn người dân. Mức thuế mạnh áp lên bất động sản thứ 2 hay tài sản đầu tư làm tăng thêm nguồn thu ngân sách, từng bước làm hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí, lấn chiếm dụng đất công và gây mất ổn định trật tự xã hội.
Bình luận (0)