Các thầy, cô đã lặng thầm cống hiến hết tuổi thanh xuân

Vũ Thơ
Vũ Thơ
18/11/2020 12:03 GMT+7

Vượt lên trên những khó khăn thường nhật, nén bao giọt nước mắt vào lòng, các thầy, cô đã lặng thầm cống hiến hết tuổi thanh xuân, để mang đến những mầm xanh hy vọng cho những mảnh đất khô cằn nhất trên đất nước này...

Đó là một trong những nội dung phát biểu đầy xúc động của anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tại Lễ tuyên dương các thầy giáo, cô giáo.

Các thầy cô còn lo cái ăn, cái mặc cho các em

Tối 17.11, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Lễ tuyên dương các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, và các Bí thư T.Ư Đoàn.
Phát biểu tại buổi lễ, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết 5 năm qua, chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh, tri ân và ghi nhận những thầy giáo, cô giáo công tác ở những lĩnh vực, địa bàn đặc biệt, khó khăn đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ; đã tôn vinh 214 thầy cô giáo.
Năm 2020, chương trình tiếp tục tri ân 63 thầy giáo, cô giáo thuộc 26 dân tộc thiểu số, trong đó có 6 dân tộc rất ít người (dưới 10.000 người). Anh Tuấn đã gửi lời chia sẻ đến những thầy cô đã nỗ lực vượt qua khó khăn, cố gắng hiện thực hóa ước mơ, thầm lặng, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp trồng người, giúp các học sinh ở vùng khó khăn có thêm kiến thức, có thêm sự nâng đỡ yêu thương, có thêm cơ hội để thay đổi cuộc đời.
“Các thầy các cô không chỉ dạy học trò kiến thức, mà như người cha, người mẹ thứ hai ngày ngày lo cho các em có cái ăn, cái mặc; vận động quyên góp trang thiết bị cho trường, lớp, cho học sinh; vận động xây cầu, làm đường… Vượt lên trên những khó khăn thường nhật, nén bao giọt nước mắt vào lòng, các thầy, các cô đã lặng thầm cống hiến hết tuổi thanh xuân, để mang đến những mầm xanh hy vọng cho những mảnh đất khô cằn nhất trên đất nước này. Nhiều thế hệ học sinh của các thầy cô ngày hôm nay đã trưởng thành, quay trở lại đóng góp cho bản làng quê hương, đất nước”, anh Tuấn xúc động nói.

Anh Nguyễn Anh Tuấn và bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trao bằng khen cho giáo viên

Tại lễ tuyên dương, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã trao tặng bằng khen và biểu trưng của chương trình cho các thầy cô. Mỗi thầy cô được nhận một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị.
Trước đó, các giáo viên được tuyên dương đã có buổi gặp mặt Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, gặp lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Ủy ban Dân tộc. Các thầy cô được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển dân tộc của Ủy ban Dân tộc.

Thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao cả

Trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, cùng nhìn lại chuỗi hoạt động ý nghĩa mà chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đang triển khai nhằm tri ân đến nhiều đối tượng đã và đang góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Hằng năm cứ đến cuối tháng 10, chuyến xe chở ban tổ chức “Chia sẻ cùng thầy cô” lại lên đường, băng đèo, vượt suối để đi đến các điểm trường ở các bản làng cao, các vùng biên giới hải đảo để thăm hỏi và lắng nghe câu chuyện của những giáo viên đầy nghị lực phi thường, đương phải vượt lên trong cuộc sống, vật lộn với nhiều khó khăn để thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao cả.
Và trong suốt 6 năm nay, “Chia sẻ cùng thầy cô” đã gọi tên gần 300 giáo viên đặc biệt như những thầy cô gánh chữ lên non cao, giáo viên cắm đảo vì học trò, hay các giáo viên mang quân hàm xanh - ngày giữ biên cương, đêm về thắp đèn dạy học, những thầy cô dạy trẻ khuyết tật miệt mài “thắp sáng những ngọn nến cong”, các giáo viên vất vả bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa khi dạy cho học sinh là người dân tộc thiểu số…
Ở năm thứ 6 này, chương trình lại tiếp tục kể câu chuyện về 63 giáo viên là những người con dân tộc thiểu số, được “sinh ra từ bản”.
Các thầy cô đã bày tỏ sự xúc động khi được tôn vinh, đồng thời mong muốn được quan tâm hơn nữa để bớt khó khăn. Thầy giáo K'Dĩnh, Tổng phụ trách Đội tại Trường tiểu học Tân Phúc 1 (H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), đề nghị có thêm các chính sách đặc thù, thỏa đáng dành cho giáo viên dân tộc thiểu số ở các địa phương. “Tại các buôn làng, đồng bào thường coi giáo viên là người có uy tín. Nhưng điều kiện công tác của giáo viên dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, đời sống của chúng tôi cũng khó khăn. Đồng bào nhìn vào sẽ có suy nghĩ tiêu cực là học cao, làm thầy rồi cũng không khá hơn”, thầy giáo người Cơ Ho nói.
Sẽ xây dựng kế hoạch tham gia đổi mới giáo dục
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, những năm qua, cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô, những chính sách hỗ trợ và phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước đã giúp bộ mặt giáo dục vùng cao thay đổi mạnh mẽ. “T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các cơ quan tổ chức chương trình sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về giáo dục và đào tạo trong đề án, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, anh Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.