Sáng 17.11, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu giáo viên dân tộc thiểu số tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 đã có buổi gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.
Tham dự và chủ trì buổi gặp mặt có Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; anh Nguyễn Tường Lâm, Ủy viên BTV T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Cần giải quyết việc làm thanh niên dân tộc thiểu số
Tại buổi gặp, nhiều thầy, cô giáo đã có những chia sẻ xúc động về sự nghiệp "trồng người" nơi rẻo cao. Các thầy cô đã phản ánh những khó khăn trong quá trình công tác và kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy nói riêng; tăng cường vai trò cầu nối giữa chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội.
Thầy giáo Thào A Vàng, công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), cho biết do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tỷ lệ giãn lớp của học sinh vùng cao một số nơi chưa đồng đều, có nơi học sinh nghỉ học, bỏ học rất đông.
|
"Việc một bộ phận phụ huynh không muốn con em đi học vì nếp nghĩ "học nhiều rồi cũng về làm nương" không phải không có lý do. Ở quê tôi, quả thật có những trường hợp thanh niên dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, trở về quê hương nhưng không tìm được việc. Tình trạng này khiến nhiều phụ huynh càng thêm bảo thủ trong suy nghĩ nêu trên", thầy Thào A Vàng chia sẻ.
Vì vậy, thầy giáo người Mông cho rằng, Đảng, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có những chính sách cụ thể trong giải quyết việc làm cho lao động trẻ người dân tộc thiểu số, qua đây vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vừa hình thành suy nghĩ tích cực trong đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Thêm chính sách cho giáo viên dân tộc
Thầy giáo K'Dĩnh (dân tộc Cơ Ho), Tổng phụ trách Đội tại Trường tiểu học Tân Phúc 1 (H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), đề nghị có thêm các chính sách đặc thù, thỏa đáng dành cho giáo viên dân tộc thiểu số ở các địa phương.
"Tại các buôn làng, đồng bào thường coi giáo viên là người có uy tín. Nhưng điều kiện công tác của giáo viên dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, đời sống của chúng tôi cũng khó khăn. Đồng bào nhìn vào sẽ có suy nghĩ tiêu cực là học cao, làm thầy rồi cũng không khá hơn", thầy giáo người Cơ Ho thẳng thắn.
|
"Nhiều lúc, tôi nhìn thấy học sinh của mình khổ quá, mà bản thân cũng không có khả năng giúp các em bớt vất vả trong cuộc sống. Tôi cảm thấy áy náy và khổ tâm lắm!", thầy K'Dĩnh xúc động nói.
Tại buổi gặp mặt, bà Hoàng Thị Hạnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực trong sự nghiệp "trồng người" nơi rẻo cao của các thầy, cô giáo.
Bà Hạnh cho biết, hiện Đảng, Nhà nước đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, phù hợp với từng vùng dân tộc thiểu số cụ thể.
|
Đối với những đóng góp, kiến nghị của các thầy cô, bà Hạnh khẳng định sẽ giao các vụ chức năng của Ủy ban Dân tộc tổng hợp, rà soát, tham mưu với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, làm căn cứ điều chỉnh các chính sách phù hợp, thiết thực đồng hành, hỗ trợ lực lượng giáo viên dân tộc thiểu số.
Dịp này, thay mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, bà Hạnh đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Phát triển các dân tộc" và quà tặng cho 63 đại biểu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Năm nay, chương trình tuyên dương các giáo viên người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... có thành tích trong công tác được phụ huynh học sinh và nhân dân ghi nhận.
Báo cáo về chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020, anh Nguyễn Tường Lâm, cho biết các đại biểu của chương trình đều là người dân tộc thiểu số, đang công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Trong đó, nhiều thầy, cô giáo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, công tác với điều kiện giảng dạy, trường lớp thiếu thốn. Có người phải thường xuyên di chuyển bằng ghe, thuyền, vượt đường rừng tới các điểm trường. Nhiều thầy, cô giáo đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để gắn bó với sự nghiệp giáo dục, chăm lo cho học sinh như con em trong gia đình.
|
Bình luận (0)