Các thủ đoạn lừa đảo dịp cuối năm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
15/01/2024 19:11 GMT+7

Sát tết, các thủ đoạn lừa đảo cũ lại trỗi dậy lừa đảo tiền của người dân. Các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo khách hàng thận trọng để không bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Giả mạo công an, nhân viên nhà mạng… để lừa đảo

Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị (Agribank Quảng Trị) mới đây chặn được vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giúp khách hàng bảo toàn được tài sản. Cụ thể, vào đầu tháng 1, một khách hàng tên N.T.U đến rút sổ tiết kiệm dù còn 9 ngày nữa sổ mới đáo hạn. Thấy tâm trạng khách hàng lo lắng, bất an nên nhân viên ngân hàng cố tình kéo dài thời gian.

Sau khi tìm hiểu, bà N.T.U cho biết trước đó có nhận được cuộc gọi từ một số máy tự xưng là cán bộ công an tỉnh, báo rằng các số tiết kiệm bà đang gửi tại ngân hàng có ăn tiền hoa hồng trái quy định pháp luật và sẽ bị điều tra, khởi tố trong thời gian tới. Khi thấy bà U. hoảng sợ, biết bà đã "dính bẫy", người giả danh công an liên tục gọi điện, hướng dẫn bà cách xử lý nhanh gọn là phải đóng sổ tiết kiệm và chuyển toàn bộ tiền qua tài khoản có tên B.Đ.T để kiểm tra nguồn tiền. Bà N.T.U đã chuyển 318 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo. Nhưng lần này, sau khi nhân viên ngân hàng giải thích thì bà N.T.U mới biết bị lừa, không chuyển tiếp số tiền 436 triệu đồng trong cuốn sổ tiết kiệm cuối cùng.

Các thủ đoạn lừa đảo dịp cuối năm- Ảnh 1.

Khách hàng thận trọng với những thủ đoạn lừa đảo cuối năm

NGỌC THẠCH

Theo Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), khách hàng cần lưu ý 2 hình thức lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2024 là chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại và giả mạo trang thông tin điện tử chính thống. Cụ thể, đối với thủ đoạn chiếm quyền sử dụng số điện thoại, kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên nhà mạng, gọi điện cho khách hàng đề nghị hỗ trợ chuyển sim 3G thành 4G miễn phí nhằm cướp quyền sử dụng số điện thoại. Sau đó, kẻ gian lấy thông tin của khách hàng để truy cập ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền.

Đối với thủ đoạn giả mạo trang tin chính thống, kẻ lừa đảo tạo lập các trang giả mạo các trang thông tin điện tử để lừa đảo dưới hình thức thu thập thông tin tài khoản, thẻ, đăng nhập ứng dụng của khách hàng. Sau đó kẻ gian thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền.

Không những ABBANK, một số ngân hàng khác cũng liên tục cảnh báo khách hàng những thủ đoạn lừa đảo trong thời gian gần đây. Người dân đang ngày càng có xu hướng gia tăng giao dịch trực tuyến nên cần phải thận trọng hơn. Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) đưa ra cảnh báo có 3 loại rủi ro về các thủ đoạn lừa đảo khi khách hàng giao dịch trực tuyến.

Dính bẫy lừa chuyển khoản ngoại tệ, nữ du học sinh mất trắng hơn 30 triệu đồng trước tết

Kẻ gian gửi tin nhắn SMS giả mạo của ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ... Khi có được các thông tin này, đối tượng sẽ rút tiền trong tài khoản của khách hàng.

Hay thủ đoạn giả mạo của các cơ quan nhà nước, chính phủ để lừa đảo. Trên các website có hình ảnh, logo cũng như các bài viết được sao chép từ trang chính thức của ngân hàng. Nếu truy cập các đường dẫn này, người dùng có nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân và nhiều thiệt hại khác nghiêm trọng hơn như mất tiền, khóa tài khoản… Đồng thời, các đối tượng lừa đảo giả danh là người quen, bạn bè hoặc người thân thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Sau đó, đối tượng sẽ gửi đường link giả mạo của website cổng thanh toán điện tử hoặc ngân hàng để yêu cầu khách hàng xác nhận các thông tin như mật khẩu, tên truy cập, mã OTP, số thẻ, mã số bảo mật của thẻ… Khi thông tin tài khoản của khách hàng bị đánh cắp đồng nghĩa với rủi ro mất tiền cao.

Thủ đoạn lừa đảo thứ 3 là bị lừa chuyển tiền. Các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, nhân viên bưu điện, nhà mạng, công an, thuế, kho bạc để lừa khách hàng chuyển tiền hoặc yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng giả mạo dịch vụ công, dịch vụ viễn thông, thuế, VneID… thông qua các tệp có đuôi *.apk hoặc từ kho ứng dụng trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android để chiếm đoạt tiền từ tài khoản khách hàng qua ứng dụng ngân hàng điện tử.

Lừa thu hồi vốn để chiếm đoạt tiền

Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa phát đi thông tin cảnh báo về việc bị kẻ xấu mạo danh tên thương hiệu, logo, ra văn bản giả mạo… để thực hiện các hành vi lừa đảo. Theo đó, thông qua nền tảng mạng xã hội, đối tượng lừa đảo liên hệ với những người có nhu cầu thu hồi vốn. Các đối tượng này đã giả mạo, lấy danh nghĩa là nhân viên của VAMC, sử dụng các thông tin, hình ảnh giả mạo VAMC, hướng dẫn người có nhu cầu thu hồi vốn đăng nhập vào trang web tự tạo và đăng ký thành viên (trang web này cũng sử dụng các thông tin, hình ảnh giả mạo VAMC).

Hơn thế nữa, các đối tượng còn gửi văn bản cam kết với các thông tin giả mạo về tên của VAMC, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật, người ký văn bản, chữ ký, mẫu dấu của VAMC để tạo lòng tin cho người có nhu cầu thu hồi vốn. Sau đó, yêu cầu những người này chuyển khoản một số tiền gọi là phí thu hồi vốn để lừa đảo, chiếm đoạt.

VAMC khẳng định, tất cả các thông tin, hình ảnh của những đối tượng sử dụng ở trên đều là giả mạo, để lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tiền, tài sản. VAMC không thực hiện bất kỳ hoạt động hỗ trợ thu hồi vốn nào liên quan đến các hành vi này. Vì vậy, VAMC thông báo và đề nghị các tổ chức cùng cá nhân lưu tâm để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh các rủi ro gây tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra.

Các ngân hàng đều đưa ra khuyến cáo đối với khách hàng là tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của những cá nhân qua điện thoại, mạng xã hội, không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng dưới bất cứ hình thức nào, không lưu thông tin thẻ trên các trang mua sắm trực tuyến, không liên kết thẻ với các ví điện tử lạ. Cẩn trọng với các cuộc gọi thông báo chuyển nhầm tiền; cẩn thận với các lời mời gọi hỗ trợ vay vốn mạo danh các công ty tài chính. Không vội vàng làm theo đề nghị hướng dẫn hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.