Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa ứng phó siêu bão Mangkhut

15/09/2018 09:20 GMT+7

Dự báo trong trưa và chiều 15.9, siêu bão Mangkhut sẽ đi vào Biển Đông với sức gió giảm xuống cấp 15; đến 16.9, bão sẽ đi vào Bắc bộ và có phạm vi gió mạnh từ cấp 6 trở lên rộng 500 - 700 km.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), lúc 13 giờ ngày 14.9, vị trí tâm siêu bão Mangkhut cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 360 km về phía đông.
Vùng gần tâm siêu bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 17 (200 - 220 km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng tây - tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km.
Do ảnh hưởng của bão, bắt đầu từ đêm 14.9, vùng biển đông bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11 - 12, từ sáng 15.9, gió tăng lên cấp 14 - 15, giật trên cấp 17 khiến biển động dữ dội.
Chiều 14.9 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, TP khu vực Bắc bộ và bắc Trung bộ bàn giải pháp ứng phó siêu bão Mangkhut sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết dự báo trong trưa và chiều 15.9, siêu bão Mangkhut sẽ đi vào Biển Đông với sức gió giảm xuống cấp 15. Đến 16.9, bão sẽ đi vào Bắc bộ và có phạm vi gió mạnh từ cấp 6 trở lên rộng 500 - 700 km, ảnh hưởng gần như toàn bộ vùng biển trên vịnh Bắc bộ.
Dự báo đường đi của bão - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
“Nhận định vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão là các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Các địa phương cần sẵn sàng ứng phó với cơn bão này, trong đó các tỉnh đông Bắc bộ, đặc biệt là Quảng Ninh là địa bàn trọng điểm”, ông Cường nói.
Hoàn lưu bão gây mưa rất rộng ở khu vực các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ cũng là yếu tố nguy hiểm trong cơn bão này. Dự báo tổng lượng mưa lên tới 200 - 300 mm/đợt sẽ khiến vùng trũng thấp đối diện nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất ở địa bàn vùng núi.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải có biện pháp đảm bảo an toàn mái nhà của người dân, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó bão; xây dựng phương án bảo vệ an toàn các công trình ven biển, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện, đảm bảo an toàn cho các bãi thải khai thác khoáng sản... không để xảy ra sự cố trong mưa bão.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.