Các toa tàu đầu tiên của Metro Bến Thành - Suối Tiên đến Việt Nam vào tháng này

Vũ Hân
Vũ Hân
06/10/2020 17:46 GMT+7

Theo Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, những toa tàu đầu tiên của metro Bến Thành - Suối Tiên , dự án chậm tiến độ, trục trặc hàng chục năm qua, sẽ đến Việt Nam vào tháng này.

Sáng 6.10, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo giữa kỳ tài khóa 2020.
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, JICA vẫn tiếp tục triển khai các dự án xây dựng thuộc nguồn vốn ODA. Đặc biệt, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên vẫn có khoảng 2.000 lao động đang làm việc.
Sau khi UBND TP.HCM hoàn tất thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư vào tháng 11.2019, tháo gỡ xong nút thắt lớn nhất của dự án, metro Bến Thành - Suối Tiên đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác từ cuối năm 2021.
“Các toa tàu đầu tiên thuộc dự án dự kiến sẽ về tới Việt Nam trong tháng này”, ông Akira nói, đồng thời cho biết vào tháng 7, dự án đã bắt đầu triển khai đào tạo kỹ thuật viên lái tàu. Sau khi được đào tạo khoảng 1 năm tại Trường cao đẳng Đường sắt Việt Nam, các học viên sẽ được đào tạo tại hiện trường và sau đó sẽ được thi lấy chứng chỉ lái tàu.

Theo thống kê của JICA, với các dự án vay ODA Nhật Bản, công ty Việt Nam và công ty Nhật Bản có tỷ lệ trúng thầu cao nhất

Nguồn: JICA Việt Nam

Ngoài dự án này, các dự án hạ tầng lớn vay vốn JICA khác cũng đang được triển khai đúng tiến độ, theo tổ chức này.

3 năm mới ký kết thêm 1 hiệp định vay vốn mới

Đáng chú ý, ông Akira cũng cho biết, trong năm 2020, Việt Nam và Nhật đã ký hiệp định vay ODA cho “Dự án Nâng cao năng lực an ninh biển” trị giá 36,62 tỉ Yên (khoảng 8.000 tỉ VND) vào tháng 7.
Đây là hiệp định vốn vay ODA đầu tiên mà Nhật Bản ký kết với Việt Nam trong vòng 3 năm qua. Ngoài việc không ký kết dự án mới, việc giải ngân cho các dự án ODA cũng giảm liên tục trong các năm gần đây. Nhật Bản với Việt Nam còn có 4 dự án đã lên kế hoạch từ 2017 - 2018, trị giá 75,5 tỉ Yên, nhưng đến nay chưa ký được hiệp định vay.

Từ 2017 đến giữa năm 2020, Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn không có hiệp định vay vốn mới và các dự án đang triển khai cũng được giải ngân rất chậm

Nguồn số liệu JICA Việt Nam

“Việt Nam hiện là quốc gia đang còn thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản trong nhiều lĩnh vực để tạo đà phát triển hơn nữa trong tương lai. Covid-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu một mặt đang đem đến cho Việt Nam cơ hội mới, và mặt khác cũng tạo cơ hội cho các nước khác tái cấu trúc hệ thống, tăng tốc đầu tư hạ tầng, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài", Trưởng đại diện JICA nói.
Cũng theo ông Akira, thông qua vốn vay ODA nói riêng và ODA nói chung, JICA mong muốn tiếp tục đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.