Đoàn tàu đầu tiên của metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ về Việt Nam trong năm nay

Vũ Hân
Vũ Hân
04/06/2020 19:26 GMT+7

Theo tin từ JICA, trong năm nay, đoàn tàu đầu tiên được chế tạo tại nhà máy ở Nhật Bản cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ được bàn giao đến Việt Nam.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ra thông cáo về năm tài khóa 2019, trong đó có cập nhật về các dự án lớn đang hợp tác với Việt Nam.
Theo đó, trong năm tài khóa 2019 (từ 1.4.2019 đến 31.3.2020), JICA có 28 dự án vay vốn ODA đang triển khai tại Việt Nam, tổng giá trị giải ngân khoảng 37,5 tỉ yên (khoảng hơn 8.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam và JICA không ký kết dự án vay mới nào.

Chủ tịch UBND TP.HCM thăm ga ngầm metro Nhà hát thành phố

Gây chú ý lớn nhất của dư luận trong số các dự án vay vốn JICA là dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Sau một thời gian đình trệ nghiêm trọng vì rắc rối liên quan đến thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, dẫn đến không giải ngân được tiền thanh toán cho nhà thầu, tháng 11.2019, TP.HCM đã hoàn tất thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, “tháo gỡ xong nút thắt lớn nhất của dự án”, theo JICA.
Cũng theo cơ quan này, trong thời gian tới, dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm đưa công trình vào khai thác từ cuối năm 2021. Dự kiến trong năm 2020, đoàn tàu đầu tiên được chế tạo tại nhà máy ở Nhật Bản sẽ được bàn giao đến Việt Nam. 
Đối với dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội), các hạng mục chính thuộc hợp đồng gốc của dự án dự kiến được hoàn thành trong tháng 8.2020 và sẽ được thông xe, đưa vào sử dụng. Dự án này hoàn thành, toàn bộ đường vành đai 3 trên cao sẽ được xây dựng hoàn chỉnh, góp phần quan trọng giải quyết áp lực giao thông gia tăng nhanh chóng ở khu vực này.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới đây. Bên cạnh Vinsmart, tập đoàn NIDEC - tập đoàn sản xuất động cơ số 1 thế giới của Nhật Bản đã rót vốn lớn vào khu công nghệ cao này. JICA bày tỏ hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào đây.
Hồi tháng 10.2019, một hội thảo kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã được tổ chức tại Tokyo.
Với dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội), tháng 5 vừa qua, gói thầu số 2 “xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính” và gói thầu số 3 “xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ” đã được khởi công.
Ngoài xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý bùn hoạt tính, dự án còn xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần khu vực Hà Đông nhằm cải thiện chất lượng nước các con sông này.
Một dự án được chú ý khác là dự án đào tạo, bồi dưỡng ngắn và trung hạn cho 500 cán bộ lãnh đạo và cán bộ quy hoạch cấp chiến lực trong các cơ quan Đảng và Chính phủ Việt Nam trong vòng 5 năm.
Dự án đã hợp tác với Ban Tổ chức T.Ư bồi dưỡng tại Nhật cho các cán bộ cấp thứ trưởng (tháng 4.2019) và lãnh đạo cơ quan chuyên môn ở địa phương (tháng 7, 8.2019).
Ngoài ra, từ tháng 8.2019, JICA hỗ trợ chương trình bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thông qua việc mời các giảng viên là lãnh đạo cao cấp Nhật Bản đến giảng bài (trong tháng 9, 10, 12.2019) và lựa chọn các học viên đã được bồi dưỡng trong các khóa học của Việt Nam đi nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Nhật Bản (tháng 12.2019).
"Tôi nhận thấy rằng bản thân cần phải học hỏi nhiều hơn bao giờ hết từ đất nước này"
Cùng ngày, JICA cũng phát đi lời chào của tân Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Shimizu Akira, người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Việt Nam sau khi hoàn tất việc cách ly tự nguyện để phòng Covid-19.
Đây là nhiệm kỳ công tác thứ 2 của ông Shimizu tại Việt Nam, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ 2010 - 2014, và ông cho biết mình “thực sự ngỡ ngàng trước dòng người tấp nập ngược xuôi trong tiếng còi xe ồn ã”, và cùng với đó, ông cũng “cảm nhận được năng lượng tích cực của con người Việt Nam ở khắp nơi, như hứa hẹn ngày mai chắc chắn sẽ tốt hơn ngày hôm nay”.
Ông Shimizu cho biết, đến Việt Nam lần này, ông đã khám phá ra một điều vô cùng mới mẻ về Việt Nam, đó là việc người Việt Nam luôn giữ bình tĩnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
“Tôi vẫn luôn tự hỏi người Việt Nam đối phó thế nào với mối đe dọa mới này. Tại sao họ lại có được sự bình tĩnh như vậy, và cũng từ đó, tôi đã cảm nhận được sức mạnh tiềm tàng to lớn của con người nơi đây”, ông Shimizu viết, và nhấn mạnh “qua trải nghiệm này, tôi nhận thấy rằng bản thân mình cần phải học hỏi nhiều hơn bao giờ hết từ đất nước này và hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải quyết những thách thức trong thế giới hậu Covid-19”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.