Israel gây nổ máy nhắn tin tại Li Băng có vi phạm luật quốc tế?

29/09/2024 11:30 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng hung thủ gây ra hàng loạt vụ nổ tại Li Băng tuần qua khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và khoảng 3.500 người bị thương đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế và luật chiến tranh.

Hàng ngàn máy nhắn tin và máy bộ đàm đã phát nổ cùng lúc trên khắp Li Băng trong hai ngày 17.9 và 18.9, gây ra cảnh hoảng loạn ở đất nước có hơn 5 triệu dân này. Các trung tâm y tế phải vất vả xử lý với hàng loạt người bị thương trong khi người dân chạy ra đường trong sợ hãi và hoang mang.

Lực lượng Hezbollah gọi đó là hành động tấn công do Israel đứng sau. Theo Al-Jazeera - đài truyền hình trụ sở Qatar đã bị cấm hoạt động tại Israel vì hoạt động đưa tin đe dọa an ninh quốc gia, mặc dù Israel chưa bình luận về cáo buộc của Hezbollah nhưng nước này thường lập luận rằng các hoạt động quân sự của mình là chính đáng như một phần của cuộc chiến chống "chủ nghĩa khủng bố".

Cựu giám đốc CIA: Vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah là ‘hình thức khủng bố’

Tấn công bừa bãi?

Cũng theo đài này, những người ủng hộ Israel đã ăn mừng sau các vụ nổ ở Li Băng, mô tả đó là hành động "chính xác". Song, các vụ nổ được cho là xảy ra xung quanh dân thường, tại các đám tang và trong các tòa nhà dân cư, cửa hàng tạp hóa, tiệm cắt tóc và nhiều nơi khác.

Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Luật nhân đạo quốc tế, một tập hợp các quy tắc được nêu trong các hiệp ước toàn cầu nhằm bảo vệ những người không tham chiến trong xung đột vũ trang, cấm các cuộc tấn công "không nhằm vào một mục tiêu quân sự cụ thể".

Israel gây nổ máy nhắn tin tại Li Băng có vi phạm luật quốc tế?- Ảnh 1.

Nhiều người tập trung bên ngoài bệnh viện tại Beirut hôm 17.9 sau các vụ nổ máy nhắn tin

ẢNH: REUTERS

Các bức ảnh và video do nạn nhân và nhân chứng vụ việc quay và được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền xác minh cho thấy máy nhắn tin phát nổ ở nhiều địa điểm khác nhau, chẳng hạn như các cửa hàng tạp hóa. Các video khác dường như có liên quan đến vụ việc cho thấy người lớn và trẻ em trong phòng cấp cứu bị thương nghiêm trọng ở đầu, thân và chân, tay, cùng các thương tích khác phù hợp với vụ nổ chất nổ mạnh.

Ông Lama Fakih, Giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: "Việc sử dụng một thiết bị nổ mà không thể biết chính xác vị trí sẽ là hành vi bất hợp pháp".

Israel gây nổ máy nhắn tin tại Li Băng có vi phạm luật quốc tế?- Ảnh 2.

Hiện trường một vụ nổ tại Sidon, miền nam Li Băng ngày 18.9

ẢNH: AFP

Mặc dù các thành viên Hezbollah sử dụng máy nhắn tin và máy bộ đàm, nhưng không có gì đảm bảo ai sẽ là người cầm thiết bị vào thời điểm nó phát nổ. Điều này dẫn đến việc các mục tiêu quân sự và dân thường đồng thời bị tấn công mà không thể phân biệt.

'Bẫy mìn'

Một hiệp ước toàn cầu về luật chiến tranh cũng cấm sử dụng "bẫy mìn" được thiết kế và chế tạo đặc biệt bằng thuốc nổ và ngụy trang thành các thiết bị di động vô hại. Điều này có thể bao gồm một máy nhắn tin dân sự đã được sửa đổi, theo tờ The Guardian.

"Bẫy mìn" là một thiết bị được thiết kế để gây sát thương, bất ngờ được kích hoạt khi một người thực hiện một hành động có vẻ an toàn, chẳng hạn như trả lời tin nhắn bằng máy nhắn tin.

Israel gây nổ máy nhắn tin tại Li Băng có vi phạm luật quốc tế?- Ảnh 3.

Một người cầm máy bộ đàm đã được tháo pin ra tại Beirut vào hôm 18.9, trong đám tang của những người thiệt mạng trong vụ nổ máy nhắn tin trước đó một ngày

ẢNH: AFP

Đài Al-Jazeera dẫn lời bà Sarah Leah Whitson, một luật sư và Giám đốc của tổ chức nhân quyền DAWN có trụ sở tại Mỹ, cho rằng các vụ nổ là "quyết định có chủ ý của Israel" nhằm tạo ra sự hỗn loạn ở Li Băng. "Đây chính xác là lý do tại sao "bẫy mìn" ngụy trang thành các đồ vật dân dụng thông thường là bất hợp pháp - vì chúng không chỉ gây ra thương tích cơ thể mà còn gây tổn hại về mặt tâm lý và cảm xúc", bà Whitson nói.

"Bạn không được phép đặt bẫy những đồ vật mà dân thường có thể nhặt được và sử dụng, hoặc những đồ vật thường liên quan mục đích sử dụng thông thường của dân thường", Giám đốc DAWN nhấn mạnh.

Li Băng kêu cứu tại Hội đồng Bảo an, Mỹ, Pháp vận động ngừng bắn 21 ngày

Trong một cuộc phỏng vấn với Al-Jazeera, giáo sư Craig Martin tại Trường Luật Đại học Washburn (Mỹ) cho biết "cuộc tấn công cũng có khả năng vi phạm một số điều khoản của Luật nhân đạo quốc tế, bao gồm nguyên tắc tương xứng và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hại cho dân thường".

Tính tương xứng là khái niệm cho rằng bất kỳ tổn hại nào đối với dân thường do hành động quân sự gây ra đều không được quá mức so với "lợi thế quân sự cụ thể và trực tiếp được dự kiến".

Israel gây nổ máy nhắn tin tại Li Băng có vi phạm luật quốc tế?- Ảnh 4.

Một người bị thương sau vụ nổ máy nhắn tin được điều trị tại Sidon, miền nam Li Băng ngày 20.9

ẢNH: REUTERS

Trong một thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc ngày 19.9, các chuyên gia nhân quyền nhận định: "Những cuộc tấn công như vậy có thể cấu thành các tội ác chiến tranh như giết người, tấn công dân thường và tiến hành các cuộc tấn công bừa bãi, bên cạnh việc vi phạm quyền được sống".

Các chuyên gia cũng yêu cầu phải có một cuộc điều tra độc lập và nhanh chóng để xác định sự thật và truy cứu trách nhiệm tội giết người.

Đài ABC (Úc) dẫn lời tiến sĩ Charles Faint, chuyên nghiên cứu về các chiến dịch đặc biệt tại Viện Chiến tranh Hiện đại thuộc Học viện Quân sự Mỹ West Point, đánh giá việc Israel đáp trả các cuộc không kích của Hezbollah ở phía bắc đất nước là điều hợp lý, nhưng những gì diễn ra trong tuần trước tại Li Băng hoàn toàn nằm ngoài dự đoán.

"Quy mô của những gì họ có thể thực hiện, trí tưởng tượng và hiệu quả của nó sẽ là những điều mà mọi người sẽ nghiên cứu trong một thời gian dài. Đây sẽ là một ví dụ điển hình về chiến thuật và luật pháp quốc tế trong nhiều năm tới", ông Faint nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.