Cách bảo quản thức ăn thừa được lâu

04/06/2024 13:55 GMT+7

Thức ăn thừa rất dễ hỏng. Do đó, người dùng cần áp dụng các biện pháp bảo quản phù hợp để có thể giữ thức ăn thừa được lâu.

Thức ăn thừa có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 3-5 ngày. Những thực phẩm nấu chín bình thường có thể để ở nhiệt độ phòng được khoảng 1-2 giờ, sau đó cần cho vào tủ lạnh.

Nếu người dùng không bảo quản thức ăn thừa đúng cách hoặc để thức ăn thừa trong tủ lạnh quá lâu, vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển trên thực phẩm và khiến thức ăn bị hỏng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do thực phẩm như ngộ độc thực phẩm, theo chuyên trang sức khỏe Health.

Cách bảo quản thức ăn thừa được lâu- Ảnh 1.

Cần bảo quản thức ăn trong tủ lạnh đúng cách

Freepik

Nhiệt độ và thời gian 

Thức ăn thừa để được bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ và thời gian.

Vi khuẩn phát triển nhanh chóng ở nhiệt độ từ 4 đến 60 độ C, nên khi thức ăn thừa được đặt trong phạm vi nhiệt độ này, vi khuẩn có thể tăng gấp đôi sau mỗi 20 phút và làm hỏng thức ăn. Đối với thức ăn thừa không bỏ vào tủ lạnh, thời gian vi khuẩn có thể làm thức ăn này bị hỏng là khoảng 2 giờ.

Bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh giúp giữ thực phẩm ở nhiệt độ từ 4 độ C trở xuống và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta kịp thời làm lạnh thức ăn thừa, vi khuẩn vẫn sẽ bắt đầu phát triển trên thực phẩm và làm thực phẩm trở nên không an toàn sau khoảng 3-4 ngày.

Việc đông lạnh thức ăn giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, chất lượng và mùi vị của thực phẩm sẽ kém đi sau khoảng 3-4 tháng.

Dấu hiệu thức ăn thừa bị hỏng

Thực phẩm hư hỏng thường dễ nhận thấy vì nó thay đổi về hình thức, mùi và vị. Các dấu hiệu phổ biến cho thấy thức ăn thừa bị hỏng gồm màu đậm hoặc nhạt dần, thay đổi kết cấu, tạo cảm giác dính, nhầy nhụa, mốc xanh, trắng hoặc đen mờ, có mùi hoặc vị khó chịu.

Cách bảo quản thức ăn thừa được lâu- Ảnh 2.

Khi phát hiện thức ăn bị hỏng, nên bỏ ngay lập tức

Freepik

Ăn thức ăn thừa hư hỏng sẽ đưa vi khuẩn có hại vào đường tiêu hóa, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể làm cơ thể gặp các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, sốt, đau đầu...

Các bước bảo quản thức ăn thừa

Để thức ăn thừa giữ được lâu nhất, người dùng có thể áp dụng các bước sau:

Thứ nhất, người dùng cần cấp đông hoặc làm lạnh thức ăn thừa càng sớm càng tốt. Theo đó, người dùng bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh hoặc tủ đông trong vòng 1-2 giờ sau khi ăn.

Thứ hai, luôn bảo quản thức ăn thừa bằng hộp có nắp hoặc màng bọc để ngăn vi khuẩn xâm nhập.

Thứ ba, nếu lượng thức ăn thừa nhiều, người dùng nên chia thành các hộp nhỏ.

Thứ tư, kiểm tra nhiệt độ tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ đủ làm lạnh, cấp đông thực phẩm.

Thứ năm, người dùng cần vệ sinh tủ lạnh thường xuyên và bảo quản thức ăn thừa cách xa thịt sống để tránh lây lan vi khuẩn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.