Gân là mô liên kết dạng sợi giúp nối cơ với xương. Vận động quá mức có thể khiến các mô gân bị viêm, theo Pop Sugar.
Thử một động tác mới, vận động sai tư thế, mang vác vật nặng, va chạm khi chơi thể thao đều có thể khiến gân bị tổn thương, bong gân và gây viêm gân.
Những khớp như vai, khuỷu tay, cổ tay, ngón tay cái, đầu gối và mắt cá chân là những nơi có nguy cơ cao bị viêm gân. Những triệu chứng thường gặp gồm đau âm ỉ kèm theo sưng. Cơn đau nặng hơn khi cử động, thậm chí khiến vận động khó khăn.
Nếu viêm gân gây sưng đau quá mức thì cần phải gặp bác sĩ, đặc biệt là khi kèm theo các triệu chứng như sốt, mệt mỏi toàn thân, đau ở nhiều nơi trên cơ thể, nổi mẩn đỏ, sưng tấy, cảm giác nóng và không thể cử động vùng bị sưng đau.
Viêm gân có thể trở nên nghiêm trọng và gây chấn thương các mô mềm nếu không được điều trị thích hợp.
Không chỉ chơi thể thao mà làm việc nhà, mang vác vật nặng cũng có thể gây viêm gân. Khuỷu tay và cổ tay là hai vị trí bị viêm gân nhiều nhất khi làm việc nhà, các chuyên gia lưu ý.
Nhiều người khi ngừng chơi một môn thể thao nào đó, chẳng hạn như tập gym, suốt vài tuần rồi khi bắt đầu lại thì dốc hết sức tập luyện. Vận động cường độ cao một cách đột ngột như vậy sẽ dễ gây viêm gân.
Nếu viêm gân không quá nghiêm trọng thì người mắc hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà. Nguyên tắc cơ bản là phải nghỉ ngơi, chườm đá và băng lại bằng băng thun, theo Pop Sugar.
Một điều mọi người cần lưu ý là nghỉ ngơi khi bị viêm gân rất cần thiết nhưng không nên nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu. Để cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần các bài tập hoạt động nhẹ nhàng, tránh gây đau vị trí đang bị viêm gân.
Chỗ bị viêm gân có thể được chườm lạnh khoảng 2 đến 3 giờ/lần nếu cần, mỗi lần từ 15 đến 20 phút. Dùng băng thun băng lại cũng có thể giúp giảm đau, các chuyên gia khuyến cáo, theo Pop Sugar.
Bình luận