Hiện nay, để đảm bảo an toàn và nhanh chóng đa số mọi người chọn hình thức giao dịch qua ngân hàng thay vì giao dịch trực tiếp. Thế nhưng, đôi khi vì sơ suất mà chủ tài khoản chuyển khoản nhầm sang một tài khoản khác. Trong trường hợp này cần phải làm gì?
Liên hệ ngay với ngân hàng
Theo luật gia Nguyễn Thành Duy (Hãng luật Minh Mẫn, TP.HCM) nếu chuyển khoản nhầm thì khách hàng phải liên hệ ngay với ngân hàng thông báo về việc chuyển nhầm tài khoản thụ hưởng. Từ đó yêu cầu ngân hàng tiến hành kiểm tra, rà soát và thông báo ngay đến ngân hàng chủ quản của tài khoản chuyển nhầm để xử lý theo quy định.
tin liên quan
Để tránh mất tiền khi rút ATMChủ thẻ rút tiền ATM, tưởng máy bị trục trặc không nhả tiền nên rời
đi. Ngay sau đó, người bên cạnh thấy máy nhả tiền liền lấy và cho rằng
mình “nhặt” được nên không chịu trả?!
Luật gia Duy cũng cho biết thêm Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã hướng dẫn giải quyết những trường hợp sai sót tại đơn vị khởi tạo lệnh (người chuyển khoản).
|
Cụ thể, trường hợp tài khoản của khách hàng có đủ số dư thì ngân hàng sẽ lập lệnh thanh toán chuyển trả tài khoản chuyển đến số tiền chuyển thừa, chuyển nhầm.
Trường hợp tài khoản của khách hàng không đủ số dư để thu hồi thì đơn vị nhận lệnh ghi nhập Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện và yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản để thực hiện Yêu cầu hoàn trả này.
Còn nếu khách hàng không còn khả năng thanh toán hoặc khách hàng vãng lai không xác định được nơi cư trú, thì đơn vị nhận lệnh phải phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án,… để tìm mọi biện pháp thu hồi lại tiền.
Luật gia Duy kết luận: “Như vậy, các ngân hàng có trách nhiệm phối hợp để yêu cầu chủ tài khoản chuyển nhầm tiền phải hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm khi có yêu cầu từ khách hàng”.
Người được chuyển nhầm không trả lại có thể bị khởi tố
Trường hợp số tiền chuyển nhầm đã được rút, sử dụng và chủ tài khoản không đồng ý trả lại số tiền, khách hàng có thể khởi kiện chủ tài khoản này ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định tại khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự :
“Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...”
|
Ngoài ra, nếu cố tình chiếm hữu, sử dụng, không trả lại tiền cho người chuyển nhầm sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng và người chuyển nhầm tiền, thì người cố tình chiếm hữu, sử dụng trái phép số tiền trên còn có thể bị truy tố về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Điều 141. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
|
Bình luận (0)