Cách làm hiện nay của Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất 'đặc thù', ít giống ai và có nhiều điểm cần bàn...
|
Nguyên tắc công khai minh bạch
Ở nhiều nước trên thế giới, người đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) được chọn quỹ quản lý cho số tiền bảo hiểm của mình và được báo cáo công khai minh bạch về tình hình quản lý, đầu tư và tăng trưởng trên số tiền của mình. Ở Việt Nam, tiền bảo hiểm không được tách bạch cho từng người và người dân cũng không biết tiền đó đang được quản lý, đầu tư như thế nào, trừ khi họ là… đại biểu Quốc hội.
Mới đây, từ cuộc họp Quốc hội được công khai trên báo chí, người dân được biết thêm một thông tin gây “choáng”: Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể bị vỡ!
Theo tôi, những chính sách do BHXH Việt Nam đưa ra thiếu sự tính toán cụ thể một cách khoa học dựa trên những nguyên tắc cơ bản về tài chính và những thống kê về tuổi thọ, bệnh tật. Ví dụ như trước năm 2006, BHXH Việt Nam dùng mức lương thực tế để làm căn cứ đóng BHXH. Sau một thời gian, thấy mức lương của khối tư nhân, đặc biệt là những người làm cho nước ngoài quá cao khó mà bù nổi, BHXH Việt Nam mới điều chỉnh: Kể từ 1.2007, mức cao nhất để đóng bảo hiểm xã hội là 9 triệu đồng và điều chỉnh mức này tăng từ từ.
Những thay đổi về cách tính lương hưu của những người làm việc cho khối nhà nước và nhiều điều chỉnh khác gần đây cho thấy sự lúng túng của BHXH Việt Nam trong việc điều hành quỹ.
Nguy cơ vỡ quỹ
Nếu ai chuyên về tài chính, bảo hiểm hay thống kê, có thể tính toán và nghiệm ra được, với chính sách thu, chi và đầu tư hiện nay, BHXH Việt Nam khó tránh khỏi nguy cơ vỡ quỹ, trừ phi đảm bảo được 3 điều kiện: 1) Quỹ phải được đầu tư khá an toàn và sinh lãi với tỷ suất chấp nhận được, 2) Ngân sách nhà nước dồi dào để bù vào Quỹ BHXH, 3) Dân số Việt Nam tiếp tục trẻ, kinh tế tăng trưởng mạnh và tạo nhiều việc làm tốt cho giới trẻ để họ đóng góp nhiều hơn vào Quỹ BHXH.
Chẳng những làm mất tiền mà BHXH Việt Nam còn để chi phí quản lý quỹ tăng khá nhanh. Cũng theo Báo Lao động ngày 25.4.2014, từ năm 2007 - 2013, chi phí quản lý quỹ tăng gấp 5 lần. Số tuyệt đối năm 2007 là 815 tỉ đồng, trong khi đến năm 2013 đã lên tới 3.718 tỉ - xấp xỉ 3% tổng nguồn thu. Bên cạnh đó, việc chế tài, xử lý các đơn vị không nộp, nộp chậm phí bảo hiểm xã hội làm còn rất yếu. Quản lý yếu kém như thế thì làm hụt quỹ chứ đâu làm tăng trưởng quỹ.
Về điều kiện 1, chúng ta chưa biết rõ tỷ suất đầu tư của quỹ có cao hay không nhưng chúng ta biết quỹ đang làm mất tiền gốc và tiền lãi (Báo Lao động ngày 25.4.2014 dẫn thông tin từ cuộc họp Quốc hội ngày 24.11: Quỹ BHXH Việt Nam mất trắng 1.052 tỉ đồng). Tiền nào cũng rất quý, nhưng tiền của Quỹ BHXH là tiền của người lao động, vì vậy những người làm mất tiền của Quỹ BHXH Việt Nam không thể biện minh để phủi trách nhiệm. Tại sao những thất thoát từ các đơn vị khác, chẳng hạn như ngân hàng cổ phần, các công ty nhà nước… được làm đến nơi đến chốn; còn thất thoát từ BHXH Việt Nam thì lại chưa được chú trọng đúng mức?
Về điều kiện 2, ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc, sẽ không ưu tiên hỗ trợ Quỹ BHXH. Hơn nữa, hiện nay ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, thậm chí còn phải mượn từ của Quỹ BHXH, theo như phát biểu của đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội.
Vậy thì chắc phải còn khá lâu ngân sách nhà nước mới hỗ trợ ngược lại cho BHXH.
Về điều kiện 3, "Dân số Việt Nam tiếp tục trẻ, kinh tế tăng trưởng mạnh và tạo nhiều việc làm tốt cho giới trẻ để họ đóng góp nhiều hơn vào quỹ BHXH" cũng khó xảy ra trong tương lai gần.
Chính vì thế, những chuyên gia và người có trách nhiệm đã dự đoán nguy cơ vỡ quỹ trong thời gian khó gần: TS.Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng Quỹ hưu trí sẽ mất cân đối trước năm 2029; còn TS.Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, dự kiến đến năm 2037, Quỹ BHXH sẽ mất khả năng thanh toán.
Chúng ta có thể thấy những vấn đề bất cập và khả năng vỡ quỹ của BHXH Việt Nam là nguy cơ rất rõ ràng. Chúng ta không thể làm ngơ và cho rằng vấn đề sẽ tự được giải quyết. Thiết nghĩ, BHXH Việt Nam cần học hỏi mô hình của các nước tiên tiến và có một sự cải tổ sâu sắc thật sớm thì mới có hy vọng vượt qua được nguy cơ này.
Lâm Minh Chánh*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
>> Đừng xem xét tăng giảm độ tuổi lao động chỉ vì sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội
>> Chây ì ngàn tỉ đồng nợ bảo hiểm xã hội
>> Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
>> Đi tù vì chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội
>> Bảo hiểm xã hội TP.HCM chi sai hàng chục tỉ đồng
Bình luận (0)