Lực lượng Mỹ và Israel đã chặn đứng hầu hết máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Iran trong cuộc tấn công ngày 14.4. Song một phần trong thành công này đến từ việc các nước Ả Rập đã âm thầm chia sẻ thông tin tình báo về kế hoạch tấn công của Tehran, tạo điều kiện để bố trí khả năng phòng thủ.
Phần lớn những sự hợp tác để có thể đánh chặn đợt tấn công từ Iran đã phải được thực hiện nhanh chóng, đồng thời thông tin về vai trò của Ả Rập Xê Út và các quốc gia Ả Rập quan trọng khác phải được giữ bí mật, theo Wall Stret Journal.
Chiến dịch lần này là được xem là điểm sáng trong nỗ lực của Mỹ nhằm tháo dỡ rào cản chính trị và mở ra khả năng hợp tác quân sự giữa Israel và chính phủ các nước Hồi giáo theo dòng Sunni, với kỳ vọng gây dựng một liên minh không chính thức của Washington tại Trung Đông.
Điểm xung đột: Kịch bản nào để Israel trả đũa Iran; Ukraine sắp có tin mừng từ Mỹ?
Bước ngoặt cho ý tưởng liên thủ
Sau nhiều thập niên Mỹ nỗ lực xây dựng mạng lưới phòng không tích hợp tại Trung Đông nhưng không hiệu quả, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2020 đã làm trung gian cho thỏa thuận Abraham, giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain. Điều này đã mở ra cơ hội để Washington kéo Israel và các nước Ả Rập xích lại gần nhau trong hợp tác quân sự.
Hai năm sau, Lầu Năm Góc đã chuyển Israel từ dưới sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy châu Âu (EUCOM) sang Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ, đơn vị thực hiện các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á và Trung Đông. Động thái này giúp Israel có thể dễ dàng phối hợp quân sự với các chính phủ Ả Rập dưới sự bảo trợ của Washington.
Dana Stroul, cựu Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông, nhận định: “Việc Israel chuyển sang CENTCOM là nhân tố thay đổi cuộc chơi”, giúp việc chia sẻ thông tin tình báo và đưa ra cảnh báo sớm giữa các quốc gia dễ dàng hơn.
Vào tháng 3.2022, tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Frank McKenzie đã có cuộc gặp bí mật với các quan chức quân sự cấp cao của Israel và các nước Ả Rập để bàn về cách đối phó với năng lực tên lửa và UAV ngày càng tăng của Iran. Cuộc gặp diễn ra tại Ai Cập đánh dấu lần đầu tiên một loạt sĩ quan cấp cao của Israel và Ả Rập gặp nhau dưới sự bảo trợ của quân đội Mỹ để thảo luận về việc chống lại Iran.
Hạ viện Mỹ chia gói viện trợ Israel, Ukraine để bỏ phiếu riêng
Những rào cản
Dù có những tiến bộ, kỳ vọng của Mỹ trong việc Israel và các quốc gia Ả Rập liên tục chia sẻ về các mối đe dọa của Iran trong thời gian thực chưa được thực hiện đầy đủ, do những lo ngại chính trị. Tuy nhiên, hợp tác về phòng không đã dần phổ biến, ngay cả với Ả Rập Xê Út, quốc gia chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Ngay sau vụ tấn công khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại Syria ngày 1.4, Tehran nhanh chóng khẳng định sẽ đáp trả. Theo lời các quan chức Ả Rập Xê Út và Ai Cập, phía Mỹ khi đó đã thúc ép chính phủ các nước Ả Rập chia sẻ thông tin tình báo về kế hoạch tấn công Israel của Iran, cũng như hỗ trợ đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa phóng tới Israel.
Hệ thống phòng không nhiều tầng của Israel đã cho thấy khả năng bảo vệ trước các đợt tấn công nhỏ lẻ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nó có thể bị áp đảo nếu UAV và tên lửa bắn tới hàng loạt.
Ban đầu, một số chính phủ Ả Rập đã cảnh giác về vấn đề hợp tác với Mỹ và Israel, lo ngại điều đó có thể khiến họ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột và có nguy cơ bị Tehran trả đũa. Sau những lần đàm phán với Washington, UAE và Ả Rập Xê Út đã nhất trí bí mật chia sẻ thông tin tình báo, trong khi Jordan đồng ý mở không phận cho máy bay của Mỹ và các nước khác, cũng như điều máy bay của Jordan hỗ trợ đánh chặn UAV và tên lửa.
Hai ngày trước vụ tấn công hôm 14.4, các quan chức Iran đã thông báo cho những người đồng cấp từ Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh khác về phác thảo và thời gian của kế hoạch tấn công quy mô lớn vào Israel để các nước này có thể bảo vệ không phận. Thông tin này sau đó đã được chuyển cho Mỹ, giúp Washington và Israel có thời gian ứng phó.
Theo quan chức cấp cao của Israel, với một cuộc tấn công gần như sẽ diễn ra từ Iran, Nhà Trắng đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc tái bố trí máy bay và hệ thống phòng thủ tới những khu vực bảo vệ, đồng thời dẫn đầu trong việc điều phối các biện pháp phòng thủ giữa Israel và chính phủ các nước Ả Rập.
“Thách thức là việc thuyết phục các quốc gia trên hỗ trợ Israel vào thời điểm Israel bị cô lập trong khu vực. Đây là vấn đề ngoại giao”, quan chức Israel nói.
Yasmine Farouk, thành viên thuộc viện nghiên cứu Carnegie tại Mỹ, nói rằng các nước Ả Rập đồng ý hỗ trợ Israel vì họ nhận thấy được những lợi ích trong lần hợp tác này. "Các nước vùng Vịnh hiểu rằng họ không có được sự hỗ trợ như cách Mỹ hỗ trợ Israel, và mong muốn nhận được điều này trong tương lai", bà nói.
Một quan chức Israel tham gia vào các nỗ lực hợp tác an ninh khu vực cho biết trước đây đã có nhiều lần các bên chia sẻ tin tình báo về mối đe dọa phòng không, nhưng ứng phó cuộc tấn công của Iran ngày 14.4 là "lần đầu tiên liên minh hoạt động hết khả năng".
Bình luận (0)