Tuy nhiên, bằng cách nào, vắc xin ở đâu, nguồn lực như thế nào… là những vấn đề then chốt không hề đơn giản, cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy hữu hiệu, kịp thời.
Để miễn dịch cộng đồng, lựa chọn duy nhất hiện nay đối với Việt Nam (VN) như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Phải sáng tạo, vận dụng mọi biện pháp để tiếp cận, huy động mọi nguồn lực hợp pháp mua vắc xin”. Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện cả nước đã có khoảng 1,1 triệu người được tiêm vắc xin, sẽ có thêm khoảng 1,6 triệu người được tiêm vào tháng 6.2021. Mục tiêu của Chính phủ sẽ có đủ 150 triệu liều vắc xin cho nhóm dân số có chỉ định tiêm vắc xin trong năm 2021.
VN được tài trợ 38,9 triệu liều vắc xin và đàm phán mua thêm 10 triệu liều với hình thức chia sẻ kinh phí từ COVAX. Cộng với việc chắc chắn mua được 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca, Chính phủ cũng đã hoàn tất đàm phán để mua 31 triệu liều vắc xin của Pfizer. Như vậy, chúng ta cần kinh phí để mua thêm khoảng 50 triệu liều vắc xin.
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần tiêm cho 60 - 70% dân số. Nếu mỗi người 2 mũi, chúng ta cần khoảng 120 - 150 triệu liều. Hiện Bộ Y tế đang tích cực đàm phán và đã nhận được các cam kết. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thực tế sẽ phụ thuộc nhà cung cấp.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản và Hàn Quốc tại VN cùng nhiều bên khác để thảo luận về vấn đề cung ứng vắc xin phòng Covid-19 cho VN. Qua thảo luận, việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, VN không phải là điểm nóng về dịch Covid-19 nên việc tiếp cận vắc xin cũng hạn chế hơn, do các đơn vị cung ứng ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.
Về kinh phí, VN dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỉ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỉ đồng. Ngân sách T.Ư dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp (DN), tổ chức là 9.200 tỉ đồng.
Về vấn đề xã hội hóa vắc xin, ông Nguyễn Hồng Uy, Giám đốc đăng kiểm và ngoại vụ Abbott VN, đề nghị cần phát huy sức mạnh toàn xã hội với 2 mũi tấn công, gồm nguồn lực từ Chính phủ và nguồn lực từ DN để nhanh chóng tiêm chủng và kiểm soát dịch bệnh, cần có cả tiêm vắc xin miễn phí và xã hội hóa (tính phí) để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Về đối tượng tiêm tiếp theo (sau nhóm 9 đối tượng ưu tiên), các DN đề xuất xác định 3 mức độ ưu tiên theo quản lý rủi ro, cả về nguy cơ dịch bệnh và nguy cơ kinh tế theo các mức độ cao, trung bình, thấp. Với nguy cơ mắc bệnh cao là các địa phương đang bùng phát dịch; với nguy cơ mắc bệnh trung bình là các địa phương có dịch nhưng đã được kiểm soát, hoặc mật độ dân cư cao. Và vùng nguy cơ mắc bệnh thấp là các địa phương còn lại. Đặc biệt, nguy cơ kinh tế cao là các KCN lớn, DN sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu, vận tải, điện, nước, DN lớn… Theo đại diện Hiệp hội DN điện tử VN Đỗ Thị Thúy Hương, hiệp hội đề xuất đưa DN vào đối tượng ưu tiên ngay sau lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là lao động ở các KCN. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý tiêm theo thứ tự ưu tiên và cấp giấy chứng nhận tiêm vắc xin thống nhất cả nước đế giúp các DN có thể giao thương dễ dàng.
Áp dụng “biện pháp đặc biệt” để tiếp cận nguồn cung vắc xinHôm qua (30.5), Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong triển khai chiến lược vắc xin tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vắc xin đa dạng thông qua biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác. Thủ tướng giao các bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, KH-CN và Ngoại giao đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vắc xin và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin của nước ngoài.
Cùng với đó, phải tăng cường tuyên truyền, tổ chức tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả, trước hết ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu và địa bàn trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.Hà Nội, TP.HCM, một số địa phương có nguy cơ cao và công nhân, người lao động trong các KCN, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm; chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia việc tiêm vắc xin.
Thông báo nhấn mạnh việc huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, đặc biệt là mua vắc xin vì đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn chế, khó khăn. Cần kêu gọi, khuyến khích mọi cơ quan, tổ chức, địa phương, DN, người dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng quỹ vắc xin.
Chí Hiếu
|
Bình luận (0)