Cách nào ngăn bạo lực tuổi học trò ?

28/09/2020 05:00 GMT+7

'Tôi thật sự phẫn nộ trước vấn nạn này. Cần chấm dứt bạo lực học đường ngay!', bạn đọc Ba Hai Huynh viết.

Một đoạn video ghi lại cảnh nữ sinh ở Tây Ninh bị 3 nữ sinh lớn hơn thay nhau đánh bằng nón bảo hiểm trong vườn cao su đang khiến dư luận phẫn nộ. Bên cạnh những ý kiến bức xúc, nhiều bạn đọc cũng phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp để chấm dứt tình trạng này.
Như Thanh Niên đã đưa tin, vụ việc trên xảy ra tại H.Tân Biên (Tây Ninh). Nữ sinh bị đánh được xác định là N.T.N.Q (học lớp 6), còn 3 nữ sinh đánh bạn học lớp 9. Q. kể, trước đó một trong 3 nữ sinh này kết bạn Facebook với Q. Sau đó, vì cho rằng Q. nói chuyện “không biết lớn nhỏ” nên nữ sinh này rủ thêm người đến tận nhà tìm và kéo Q. ra vườn cao su gần đó đánh dằn mặt... Hiện tại, Q. vẫn bị đau đầu và đang được bác sĩ theo dõi.

Đâu rồi “tiên học lễ” ?

Rất nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc trước việc 3 nữ sinh đánh bạn như trên. “Tôi thật sự phẫn nộ trước vấn nạn này. Cần chấm dứt bạo lực học đường ngay!”, BĐ Ba Hai Huynh viết. Đây cũng là yêu cầu, đòi hỏi của nhiều BĐ.

Có lẽ chưa bao giờ dạy con khó như thời này. Mọi thứ, nhất là công nghệ, internet... thay đổi nhanh quá mà cha mẹ, thầy cô nhiều khi cũng không cập nhật kịp để dạy cho con em. Nói thật, tôi cũng mù mờ về internet, mạng xã hội, mà cũng chẳng có thì giờ tìm hiểu để dạy con. Chỉ biết nói mỗi câu “Cẩn thận nghe con”. Nghĩ lại thấy mình cũng thiếu trách nhiệm...   

Khuynh

Nhưng làm thế nào để không còn những chuyện như trên? Một số BĐ do quá bức xúc đã đề nghị xử phạt nặng các nữ sinh đánh bạn, thậm chí còn đề nghị “cho vô trường giáo dưỡng”. Trong khi đó, BĐ Tịnh Lâm viết: “Liên tiếp những vụ học sinh đánh nhau làm mọi người quá lo lắng. Theo tôi, đã đến lúc nhà trường, gia đình và xã hội phải thật sự coi lại việc “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhà trường phải tăng cường các hoạt động giáo dục đạo đức bằng nhiều hình thức thiết thực, gần gũi. Gia đình phải cộng tác với nhà trường trong việc giáo dục đạo đức con em, ý thức rõ gia đình là nơi đầu tiên và rất quan trọng trong việc dạy “lễ” cho con em. Xã hội phải tăng cường cổ súy, nhân rộng những tấm gương tốt, lên án những hành động bạo lực...”.

Người lớn hãy biết nhận lỗi !

Để xảy ra những sự việc như trên, một số BĐ cho rằng lỗi do nhà trường và xã hội, số khác lại cho là do gia đình. Trong khi đó, BĐ Nam Nguyen phân tích: “Điều quan trọng nhất: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống = gia đình + nhà trường + xã hội, trong đó giáo dục gia đình là quan trọng nhất, vì cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và suốt đời của con, vì cha mẹ là gương cho con cái noi theo”. Còn BĐ Tự Do viết: “Trẻ đánh nhau, trẻ hư, trẻ thế này thế kia... mình là người lớn, điều đầu tiên là nhận lỗi về mình. Mình đã làm gì, làm hết trách nhiệm chưa, làm với sự hiểu biết và yêu thương trẻ chưa? Đừng đổ lỗi cho nhà trường, gia đình hay xã hội. Chỉ biết đổ lỗi thì trẻ sẽ tiếp tục đánh nhau, tiếp tục hư...”.

Vì sao nhà trường lẫn cha mẹ không đưa vào tiết học hướng dẫn các học sinh biết cách xử lý phòng vệ khi bị cưỡng bức hay xâm phạm cơ thể? Ví dụ, em học sinh này khi bị các học sinh khác tìm đến nhà sao không tri hô nhờ hàng xóm bảo vệ, báo công an trợ giúp? Rõ ràng là khả năng tự bảo vệ mình rất kém!

Quote author

Cùng quan điểm, BĐ Thảo Nguyên phân tích thêm: “Nhà trường và gia đình phải dạy cho các em biết cách học hỏi những điều hay trên mạng, có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, cách phòng tránh những cái xấu trên mạng... Tôi thấy có vẻ như chúng ta để các em “tự tìm, tự bơi” trong bể thông tin tốt xấu lẫn lộn trên internet, hoặc chỉ biết ngăn cấm”. BĐ Anh Lê cũng đề nghị: “Nên giáo dục các em trong trường học về cách sử dụng mạng và công nghệ một cách có ích ngay từ bé để các em nhận thức rõ lợi ích và tác hại của nó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.