Theo một báo cáo của Sensor Tower, PUBG Mobile đã đạt doanh thu 3 tỉ USD kể từ khi ra mắt hồi tháng 3.2018, thậm chí con số chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã là 1,3 tỉ USD.
Gần đây có thông tin một cậu bé 17 tuổi ở Ấn Độ lén dùng hết 1,6 triệu rupee (tương đương khoảng 500 triệu đồng) tiền tiết kiệm của bố mẹ để nạp vào game PUBG Mobile đã khiến nhiều người tò mò rằng: “Dù là tiền của bản thân hay tiền có được từ nguồn nào khác, thì suy cho cùng, động lực nào đủ hấp dẫn để giới trẻ chấp nhận chi một số tiền khổng lồ như vậy?”.
Tại Việt Nam, số lượng người chơi PUBG ngày càng tăng cao, theo kết quả công bố của PUBG Mobile Việt Nam, trong năm 2019 PUBG Mobile Vietnam có 13 triệu lượt tải về với hơn 15 triệu tài khoản được tạo trên server VNG. Giá thành chi ra trong game PUBG Mobile được tính theo từng trang phục (skin) cho các vật phẩm, tùy theo nhu cầu muốn tìm được skin nào mà người chơi sẽ chi trả từng mức độ khác nhau, điều này cũng còn phụ thuộc vào độ may mắn khi “quay hòm”.
Điều này cũng đồng nghĩa là bạn hoàn toàn có thể “chơi chay” mà không cần nạp tiền, chỉ cần chấp nhận nhân vật của mình không được đẹp mắt một chút. Trung bình, giá để quay ra được mỗi vật phẩm trong game là không nhỏ, anh Bình (Sơn La) - một thành viên của group cộng đồng PUBG Mobile Việt Nam cho biết anh tốn đến 10.000 UC (Unknown Cash - đơn vị tiền ảo trong game) tương đương khoảng 2 triệu đồng để quay ra khẩu M4 băng cấp 4, trong khi anh Hoài (Kiên Giang) cho biết con số mà anh đã bỏ ra là 4,5 triệu đồng để nâng cấp skin súng lên cấp 5.
“Chơi PUBG Mobile không quá nhất thiết phải nạp, như mình chỉ nạp khi nào có skin thật sự thích, nhưng giá skin ngon lại khá chát cho mỗi lần muốn kiếm, cũng phải tầm vài củ (triệu), nói chung khá hên xui, so với một số game khác đang phổ biến có thể mua hẳn skin như Liên Quân Mobile thì giá này có phần đắt hơn”, bạn Minh Duy (17 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), một người chơi PUBG Mobile lâu năm cho biết.
|
“Mình không nạp tiền vào game mà chọn cách mua account (tài khoản), với số tiền bỏ ra khoảng 2 triệu cho một cái acc vừa tầm đủ có skin mình thích mà chơi là được rồi. Còn game thủ nạp tiền thì nhiều lắm, bạn mình số cày chay cũng nhiều, nhưng cũng có đứa nạp lần 19.000 UC, cỡ 4-5 triệu đồng lấy khẩu M4, đại gia hơn thì giống trên mạng quay clip đập tiền chục, tiền trăm triệu vào game cũng không hiếm. Nhưng mà game nào thì cũng có người nạp kiểu vậy hết thôi”, bạn Đăng Khoa (22 tuổi), sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết suy nghĩ của mình về việc nhiều người trẻ nạp tiền vào game online hiện nay.
“Mình là nữ, cũng mới chơi PUBG được khoảng nửa năm nay thôi. Thật ra thì mình thấy bạn bè mình ít ai nạp tiền vào game này lắm vì có thể chơi chay được. Nhưng mà nghịch lý là mình thấy mấy em cấp 2, cấp 3 lại chịu chi hơn. Ví dụ như em trai của một bạn mình đang học lớp 9, có lần lén dùng tiền tiết kiệm của chị nạp 2 triệu vào game”, bạn Quỳnh Trần (22 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) chia sẻ.
PUBG Mobile là một tựa game thuộc thể loại Battle Royale được xây dựng để chạy trên các nền tảng di động như iOS và Android, game là phiên bản tiếp nối sau thành công vang dội của các PUBG phiên bản Steam chạy trên hệ điều hành Microsoft Windows và PUBG phiên bản Xbox One trước đó. Với đặc thù trong lối chơi, trò chơi trực tuyến trên di động này không yêu cầu người chơi phải nạp thật nhiều tiền để giành chiến thắng (pay to win), hoạt động nạp tiền dưới dạng tiền ảo Unknown Cash (UC) chỉ nhằm mục đích quay đổi lấy các trang phục (skin) làm đẹp cho nhân vật ảo trong game.
Tuy nhiên, các phiên bản trò chơi vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều tại một số quốc gia khi vào tháng 7.2019, PUBG bị chính quyền các nước Ả Rập cân nhắc ‘cấm cửa’ với những lo ngại về nguy cơ cổ xúy bạo lực và khả năng ‘gây nghiện’ của nó.
Bình luận (0)