Phòng cấp cứu nhi, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) trung tâm tỉnh Tiền Giang vừa tiếp nhận điều trị cho bé trai 46 tháng tuổi (nhà ở H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) nhập viện điều trị nội trú sau khi tái khám lần 2, trong khoảng 4 - 5 ngày kể từ khi có dấu hiệu bệnh.
tin liên quan
Bệnh tay chân miệng có sự thay đổi gienChị Võ Thúy Kiều, mẹ của bệnh nhi này, cho biết: “Buổi chiều đi học về, bé kêu đau lưỡi, ăn không được. Tôi xem miệng bé thấy không rõ nốt, sáng hôm sau vẫn cho đi khám liền, được bác sĩ chẩn đoán bị tay chân miệng nhưng nhẹ, hướng dẫn về nhà theo dõi. Tiếp sau bé bị nôn, mệt nên tôi đưa con đi khám lại, được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp, về theo dõi tại nhà. Sau hôm đó, bé ngủ không được, hay trằn trọc giật mình nên tôi cho bé tái khám. Lần này bác sĩ nói cho bé nhập viện đề phòng bệnh nặng lên”.
Bác sĩ điều trị công tác Khoa Nhi BVĐK trung tâm tỉnh Tiền Giang lưu ý, có thể gặp trường hợp bị tay chân miệng dù không có các triệu chứng điển hình như: nổi các mụn phỏng ở miệng, bàn tay, vùng mông... nhưng vẫn có nguy cơ diễn biến nặng, nên gia đình không chủ quan, cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe của con khi ở nhà.
Bác sĩ Võ Trần Anh Khoa, công tác tại Khoa Nhi, BVĐK trung tâm tỉnh Tiền Giang, cảnh báo các phụ huynh không nên chủ quan vì tay chân miệng có diễn biến nhanh, cần theo dõi sát sao đặc biệt trong tuần đầu tiên, trong đó lưu ý các trẻ mắc bệnh mà triệu chứng không điển hình. Các trẻ này có nguy cơ bệnh diễn biến nặng mà hầu như không thấy nhiều nốt phỏng nước.
“Trẻ mắc tay chân miệng khởi đầu sốt, sốt sau khoảng 1 - 2 ngày có hồng ban bóng nước, loét miệng. Cần cho trẻ đến BV ngay nếu thấy con mệt nhiều hoặc sốt cao, nôn ói nhiều; trẻ trằn trọc, ngủ chới với, giật mình”, bác sĩ hướng dẫn.
Bình luận (0)