Trước đây tôi chỉ có thói quen khi xin việc làm, mới ra phường chứng thực chữ ký, hoặc photo bằng cấp, giấy chứng nhận… rồi mới đi sao y. Hiện tôi dự định mua một căn nhà, nhưng lại thiếu kiến thức về chứng thực nên không biết phải bắt đầu từ đâu. Vì vậy tôi nhờ báo tư vấn giúp cách phân biệt giữa chứng thực chữ ký với chứng thực hợp đồng, giao dịch có khác gì nhau?
Bạn đọc Diễm Lệ.
Luật sư tư vấn
Luật sư Chu Văn Hưng (Văn phòng luật sư Tâm Trí, TP.HCM) tư vấn, theo điều 2 Nghị định số 23 năm 2015 có 3 hình thức chứng thực: chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Tại khoản 9 điều 2 Nghị định này quy định: người thực hiện chứng thực là trưởng phòng, phó trưởng phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; công chứng viên của phòng công chứng, văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
"Chứng thực chữ ký" là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
"Chứng thực hợp đồng, giao dịch" là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Chứng thực chữ ký
Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký.
Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản (điều 23 Nghị định 23 năm 2015).
Như vậy, người thực hiện chứng thực chữ ký không chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình chứng thực chữ ký.
Tuy nhiên, văn bản, giấy tờ yêu cầu chứng thực chữ ký có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân sẽ không được chứng thực chữ ký (khoản 4 điều 22 Nghị định 23).
Chứng thực hợp đồng, giao dịch
Về trách nhiệm, tại điều 35 của Nghị định 23 quy định:
Người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính hợp lệ, hợp pháp của các giấy tờ quy định tại điểm c khoản 1 điều 36 của Nghị định này.
Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy, đối với trường hợp chứng thực hợp đồng, giao dịch, người thực hiện chứng thực cũng không chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp, hợp lệ của hợp đồng, giao dịch…
Bình luận (0)