Lập vi bằng để chứng minh mua bán nhà đất chỉ là hợp đồng giả cách?

Ngân Nga
Ngân Nga
29/08/2023 03:40 GMT+7

Để tránh bị mất nhà đất, người vay tiền có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hợp đồng mua bán nhà đất thực chất chỉ là hợp đồng giả cách.

Mẹ tôi bị bệnh nan y nên rất cần số tiền lớn để điều trị bệnh. Tôi tính vay tiền bên ngoài 200 triệu đồng để lo cho mẹ. Tuy nhiên, thay vì là hợp đồng vay tiền thì người cho vay lại yêu cầu tôi phải ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất và phải giao sổ đỏ cho họ giữ thì mới cho vay (hợp đồng giả cách). 

Tôi biết là làm vậy thì khả năng mất đất là rất cao nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Nhờ báo tư vấn giúp tôi nên làm gì để không bị mất đất.

Bạn đọc Hồng Minh.

Chuyên gia tư vấn

Lập vi bằng để chứng minh mua bán nhà đất chỉ là hợp đồng giả cách? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thuý Hằng, Trưởng văn phòng thừa phát lại Hằng Nguyễn

NVCC

Bà Nguyễn Thuý Hằng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Hằng Nguyễn (tỉnh Tây Ninh), tư vấn: Hiện nay để người dân có thể vay tiền tại tổ chức tín dụng thì phải qua nhiều khâu như: Thủ tục thẩm định tài sản, định giá, chứng minh thu nhập hợp pháp, khả năng trả lãi. Việc này sẽ mất nhiều thời gian và nan giải, cho nên người dân thường tìm đến những người cho vay bên ngoài.

Việc cho vay bên ngoài có ưu điểm: Có thể thỏa thuận mức lãi suất, thời gian vay linh động, thủ tục nhanh gọn. Thế nhưng lại tiềm ẩn 2 rủi ro lớn:

Thứ nhất, để đảm bảo nghĩa vụ vay, bên cho vay yêu cầu bên vay đến tổ chức công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, ngoài hợp đồng chuyển nhượng/mua bán ra, thì người vay không còn chứng cứ nào khác để chứng minh đây là hợp đồng giả cách, chỉ để đảm bảo nghĩa vụ vay.

Thứ hai, thực tế cũng có nhiều trường hợp bên cho vay và bên vay vừa ký hợp đồng vay, vừa ký hợp đồng chuyển nhượng, thậm chí ký thêm cả hợp đồng thuê đất, thuê nhà, mà thực chất đây chỉ là quan hệ vay.

Vì thế không ít trường hợp, người cho vay dùng chính hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng, để cập nhật biến động sang tên cho mình, trong khi người vay vẫn trả lãi suất đầy đủ.

Để hạn chế rủi ro, theo bà Hằng, trước khi ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, thuê, vay thì bạn có thể căn cứ vào Nghị định 08 năm 2020 của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại), yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận buổi làm việc giữa các bên liên quan đến việc này. 

Khi đó, thừa phát lại sẽ ghi nhận các bên lập văn bản thỏa thuận, xác nhận, cam kết về việc vay tiền, bên vay có giao sổ đỏ cho bên cho vay giữ để đảm bảo nghĩa vụ vay.

Vi bằng là nguồn chứng cứ chứng minh việc ký hợp đồng chuyển nhượng thực chất là hợp đồng giả cách, có thể giúp bạn tránh mất đất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch dân sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.