Cách phân biệt giữa công chứng và chứng thực khi giao kết hợp đồng

Ngân Nga
Ngân Nga
04/05/2023 06:38 GMT+7

Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết.

Tôi mang căn cước công dân (CCCD) và hợp đồng mua bán nhà đất đến UBND xã để công chứng. Tuy nhiên, cán bộ tư pháp cho biết thẩm quyền UBND xã chỉ có chứng thực, chứ không công chứng. Vậy công chứngchứng thực khác gì nhau?

Bạn đọc Thu Phương ở Long An thắc mắc với Báo Thanh Niên.

Chuyên gia tư vấn

Đại diện Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Diễm Phương (ở Long An) cho biết, công chứng và chứng thực là hai việc khác nhau.

Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, đồng thời phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Theo đó, đối với hợp đồng, giao dịch và bản dịch (văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt), thì công chứng viên sẽ tiến hành việc chứng nhận (điều 2, luật Công chứng).

Cách phân biệt giữa công chứng và chứng thực khi giao kết hợp đồng - Ảnh 1.

Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng

NHẬT THỊNH

Chứng thực là việc UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Theo điều 2 Nghị định 23/2015 của Chính phủ, chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

Do đó, căn cứ vào những quy định trên, yêu cầu của bạn được xác định là chứng thực bản sao CCCD. Đây là loại giấy tờ về nhân thân của một con người, do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Vì vậy CCCD là giấy tờ được phép thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính. Thẩm quyền thực hiện chứng thực này thuộc về Phòng Tư pháp huyện, UBND cấp xã, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, công chứng viên (điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.