Nhân ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam 20.11, các thầy cô đã có những chia sẻ về việc tự mở kênh dạy học trên nền tảng mạng xã hội.
Người thầy “triệu view” trên mạng xã hội
Thầy Võ Hồng Quang, giáo viên dạy toán, vật lý, hóa học, sinh học của Trường THCS Lê Lợi (Gia Lai), hiện sở hữu kênh YouTube với hơn 5.200 video dạy học, thu hút hơn 1,21 triệu lượt đăng ký.
Thầy Quang chia sẻ thầy đã đăng tải bài giảng đầu tiên về môn hóa hồi tháng 10.2016, với mục tiêu giúp học sinh nghèo trên cả nước nâng cao kiến thức.
Từ đó, thầy lần lượt đăng tải nhiều video dạy kiến thức 4 môn học toán, hoá, vật lý, sinh học và cả kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lối sống, hướng nghiệp, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập.
Một phần nội dung giảng dạy toán của thầy Quang |
Chụp màn hình |
Thầy Quang hướng dẫn chi tiết kiến thức, giải từng bài tập trên giấy và quay video rồi đăng lên YouTube. Các video không có hình ảnh sinh động, chỉ thể hiện trang sách kèm theo một tờ giấy thầy Quang viết và giảng bài, nhưng lại thu hút nhiều học sinh theo dõi nhờ vào sự chỉ dẫn tận tình, chi tiết.
Bên cạnh đó, thầy Quang tăng cường tương tác, trao đổi trực tuyến việc học với học sinh lẫn phụ huynh trên mọi miền đất nước.
Theo thầy Quang, công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển giúp giáo viên lẫn học sinh dễ dàng thích nghi với việc học trực tuyến. "Dù giảng dạy trực tiếp hay trực tuyến thì điều quan trọng vẫn là cái tâm của giáo viên đối với học sinh", thầy Quang lưu ý.
Khi mới bắt đầu làm video trên YouTube, thầy Quang không nghĩ rằng kênh của thầy có thể thu hút nhiều lượt đăng ký theo dõi như vậy.
“Tôi cảm thấy vui vì được nhiều học sinh quan tâm, lĩnh hội được kiến thức từ kênh YouTube. Nhưng tôi cũng lo vì khối lượng công việc quá nhiều, áp lực công việc ở trường, và việc dạy trực tuyến rất lớn, không có thời gian dành cho con và gia đình”, thầy chia sẻ.
Thầy Quang, người thầy "triệu view" trên mạng xã hội |
Hồng Quang |
Dạy livestream hoá học trên mạng
Còn thạc sĩ Phạm Thắng, giảng viên công nghệ hóa học Học viện kỹ thuật Quân sự, thì không ghi hình trước mà giảng dạy môn hoá học cho học sinh lớp 10, 11, 12 theo kiểu livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội.
Thầy Thắng sử dụng phần mềm đồ họa vào bài giảng, kèm theo đó là những câu trao đổi dí dỏm với học sinh đang xem trực tuyến. Đến nay, tài khoản của thầy Thắng trên Facebook thu hút hơn 150.000 lượt theo dõi.
Thầy Phạm Thắng chọn cách dạy livestream trên mạng xã hội |
Phạm Thắng |
Theo thầy Thắng, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen, cách sinh hoạt học tập của nhiều người.
"Học tập trực tuyến, tại nhà giúp chúng ta nâng cao khả năng tự học, tự lập, tự tìm hiểu kiến thức. Bên cạnh đó, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, các thiết bị học tập trực tuyến như điện thoại, máy tính góp phần quan trọng vào sự phát triển của phương pháp dạy học hiện đại, dạy học không khoảng cách", thầy Thắng chia sẻ.
Theo thầy Thắng, mọi giáo viên thời nay đều có thể thay đổi cách giảng dạy của mình, chứ không hẳn giới hạn của tuổi tác và cách tiếp cận công nghệ.
Đa dạng hóa hình thức giảng dạy
Còn cô Đặng Thùy Dương, giáo viên dạy tiếng Đức cho người nước ngoài tại ĐH Bielefeld (Đức), thì đa dạng hóa hình thức giảng dạy bằng cách tăng cường các bài giảng trên mạng xã hội.
Cô mất gần nửa năm để tập đứng trước camera, tập cách nói để tự tin lên hình, rồi tự mình thực hiện mọi khâu từ việc soạn nội dung, quay, chỉnh sửa và đăng tải video.
Trên YouTube, cô Dương đăng tải các video bài giảng tiếng Đức từ cơ bản cho đến nâng cao cùng clip về văn hoá, xã hội ở Đức.
Đến nay, kênh YouTube của cô thu hút tổng cộng hơn 3 triệu lượt truy cập và gần 38.000 lượt đăng ký theo dõi.
Cô Dương cho biết giáo viên thời đại mới phải biết công nghệ |
Thuỳ Dương |
Trước kia, cô Dương không thực sự đánh giá cao giảng dạy trực tuyến, nhưng sau một thời gian thích nghi cô thấy việc dạy học trực tuyến cũng có rất nhiều ưu điểm.
Hiện tại, cô vẫn duy trì một vài lớp trực tuyến nhỏ, dạy cho cả học viên ở Việt Nam. Đối với giáo viên thời nay thì việc cập nhật kiến thức, công nghệ, nâng cao chuyên môn và thích nghi với thời đại là những yếu tố không thể thiếu, theo cô Dương.
Bình luận (0)