Theo hai nhà nghiên cứu Bill Chappell (NPR) và Mehdi Moussaid (Viện Phát triển Con người Max Planck), có 3 sự kiện thu hút đám đông lớn nhất dễ xảy ra tình trạng bị giẫm đạp, đó là tôn giáo, thể thao và lễ hội.
Vụ giẫm đạp chết người trong lễ hội Halloween trên một con phố ở quận Itaewon, Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 30.10.2022 |
Yonhap (koreatimes.co.kr) |
Cuộc hành hương ở thánh địa Mecca của thế giới Hồi giáo thu hút từ 2 đến 3 triệu tín hữu mỗi năm; sân vận động chứa số lượng người ít hơn, tuy nhiên lễ ăn mừng sau chiến thắng quan trọng có thể thu hút hàng trăm nghìn người đổ về trung tâm trong thành phố, cụ thể là đại lộ Champs-Élysées, tràn ngập người vào ngày 15.7.2018, sau chiến thắng của đội tuyển Pháp tại World Cup; cuối cùng là các lễ hội âm nhạc thu hút rất nhiều người. Số lượng lớn nhất được ghi nhận là 3,5 triệu người, tập trung trong buổi trình diễn âm thanh và ánh sáng của Jean-Michel Jarr tại Moscow (nước Nga) vào tháng 9.1997.
Vậy, khi tham gia vào một sự kiện rất đông người thì bạn cần làm gì để tránh thảm họa?
Trước hết, hãy mở mắt ra, quan sát chung quanh xem có dấu hiệu nguy hiểm nào không. Cần tìm hiểu mật độ của đám đông biểu thị bằng số người trên 1 mét vuông: dưới 5 người/m2 thì không sao, có thể không thoải mái, nhưng ổn; trên 6 người/m2 thì trở nên nguy hiểm; 8 người/m2 phần lớn là có thương tích hoặc tệ hơn.
Mật độ này có thể cảm nhận như sau: nếu những người chung quanh chạm vào bạn trên cả hai vai hoặc vào một số vị trí trên cơ thể bạn cùng một lúc, thì mật độ có thể khoảng từ 6 người/m2 trở lên. Nếu còn thời gian và có thể di chuyển, bạn hãy đi ngay để tránh rủi ro.
Trong trường hợp bạn nhận ra bất kỳ tín hiệu đe dọa nào, có thể khiến đám đông bị kích động, dẫn tới hoảng loạn thì bạn tìm cách rời khỏi đám đông ngay. Sự chần chừ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn, cho dù lúc đó đang diễn ra trận bóng đá sôi động hoặc chương trình hòa nhạc tuyệt vời.
Bạn đoán xem tâm chấn của sự kích động nằm ở đâu (nơi đông đúc nhất), sau đó di chuyển về phía nơi mà đám đông thưa dần. Bạn có thể tìm thấy một lối thoát nhanh chóng bằng cách trèo lên hàng rào hoặc leo lên một mỏm đá.
Trong trường hợp đám đông đã dày đặc chung quanh thì bạn cần:
Đứng yên, không đặt ba lô xuống. Cố đứng vững, vì ngã bạn sẽ thành chướng ngại vật cho những người chung quanh, ngay cả cái ba lô trên mặt đất cũng gây trở ngại. Nếu bạn ngã sẽ gây phản ứng dây chuyền, những người khác có thể ngã và giẫm đạp lên lên cơ thể bạn.
Cố gắng duy trì hơi thở. Thiếu oxy là kẻ giết người trong đám đông, vì vậy hãy bảo vệ không gian xung quanh ngực của bạn. Cần đưa cánh tay của bạn ra ngay trước ngực và giữ chúng ở đó, đẩy những chèn ép chung quanh ra, chỉ cần có khoảng trống 1cm cũng đủ để bạn tiếp tục thở.
Đừng thúc đẩy sự di chuyển trong đám đông. Nếu bạn đẩy dạt những người chung quanh ra thì họ sẽ đẩy những người khác gần họ. Đây là phản ứng dây chuyền, có thể khuếch đại thành một cuộc xô đẩy dữ dội.
Cổ động viên bóng đá nằm trên sàn sau vụ giẫm đạp chết người ở sân vận động Kanjuruhan, ở Malang, Indonesia |
Twitter (wionews.com) |
Tránh tường và những vật rắn. Nếu nương vào dòng xô đẩy của đám đông để đi thì bạn vẫn ổn, với điều kiện là không bị ngã xuống. Nhưng nếu bạn đứng sát tường thì không thể di chuyển, vì làn sóng người sẽ ép chặt bạn vào tường.
Còn một cách tránh... mất mạng trong những đám đông bị kích động, giẫm đạp nhau ở các lễ hội là... giúp người khác. Nếu thấy người gần bạn cần giúp đỡ thì bạn nên giúp ngay. Hành vi này dễ lây lan trong đám đông. Người này giúp người kia sẽ tạo ra bầu không khí tích cực, làm cho mọi thứ bớt tồi tệ hơn. Đây là nghiên cứu của nhà tâm lý học John Drury từ Đại học Sussex, chứng minh rằng lòng vị tha và sự giúp đỡ lẫn nhau là chìa khóa để tránh bi kịch.
Bình luận (0)