Cách 'truy' nguồn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tránh bị giả mạo

Liên Châu
Liên Châu
16/02/2024 13:12 GMT+7

Cảnh báo tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gây hiểu lầm cho người dùng, Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn cách tra tìm sản phẩm đã được cấp phép.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tiếp tục cảnh báo về tình trạng một số trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Đặc biệt là tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sĩ, dược sĩ có uy tín để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cách 'truy' nguồn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tránh bị giả mạo- Ảnh 1.

Hình ảnh một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM bị lồng ghép vào quảng cáo

TNO

Trong năm 2023, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được phản ánh của PGS-TS Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), về việc một số trang mạng xã hội đã lợi dụng hình ảnh và danh tính của bà để quảng cáo cho sản phẩm chưa đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm lưu ý: "Theo quy định hiện hành về quảng cáo thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo; nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm".

Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, người tiêu dùng cần biết: không thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng "điều trị bệnh".

Người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm. Trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Chỉ chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.

Khi mua, nhận sản phẩm phải có hóa đơn, đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn: người dùng có thể tra cứu thông tin liên quan đến đăng ký bản công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ: https://nghidinh15.vfa.gov.vn/http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.