Cái áo ba mươi lăm nghìn - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Bình

18/10/2024 16:00 GMT+7

Anh bỏ cái áo hiệu, nhìn cái áo thun màu xám chì hơi cũ, cái áo này vợ tìm thấy ở ngoài chợ, nói mặc đi ăn sáng hay cà phê vẫn lịch sự chán. Có ai biết cái áo trị giá ba mươi lăm nghìn đâu.

Anh cầm hai cái áo lên ngắm nghía, một là cái áo thun không cổ màu trắng, hàng hiệu còn khá mới. Anh chỉ mặc nó vào những dịp quan trọng, hồi anh mua áo này, nhỡ mồm nói giá tiền, "mẹ bổi" nhà anh đã gần như rú lên kinh hãi. Rồi vợ quy ra thóc là mấy tạ, quy ra thịt là bao nhiêu cân, có thể ăn được mấy tháng. Suốt một tuần sau đó vợ không ngừng lầm bầm nói anh phá của, còn nói tưởng mình có ô tô là đã giàu rồi đấy?

Anh nghe vợ càu nhàu và kệ. Người đàn bà đến chợ huyện cũng ngại đi thì biết gì, quần áo của vợ đều từ mấy cái giá phơi hay trong những đống nhàu nát đổ trên miếng nylon trải dưới sàn chợ, tất cả đều có giá chưa tới trăm nghìn. Anh từng nói vợ mua mấy bộ đàng hoàng mà mặc, vợ quặc lại nói tôi có đi đâu mà cần xí xớn láng lẩy. Anh thôi không khuyên bảo gì nữa, len lén cho hai đứa con một trai một gái tiền mua quần áo giày dép. Một đứa còn đi học, một đứa là sinh viên, chúng cần giao tiếp bạn bè. Công việc của anh cũng không đến nỗi không lo nổi cho vợ con. Trong mắt người làng, ngôi nhà hai tầng đầy đủ tiện nghi, phía sau nhà là gara ô tô có lối vào thẳng nhà là tiêu chuẩn bao người hướng tới và mơ ước.

Cái áo ba mươi lăm nghìn - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Bình- Ảnh 1.

ẢNH: THIÊN ANH

Anh bỏ cái áo hiệu, nhìn cái áo thun màu xám chì hơi cũ, cái áo này vợ tìm thấy ở ngoài chợ, nói mặc đi ăn sáng hay cà phê vẫn lịch sự chán. Có ai biết cái áo trị giá ba mươi lăm nghìn đâu. Anh chặc lưỡi, mặc lần đầu thấy hơi ngài ngại, mặc lần hai là quen. Có ai biết đây là hàng đổ đống.

Vợ đang băm bèo cho lợn, sực nhớ gì đó nên vào nhà, tay còn cầm con dao thái dính đầy rau. Mặc cái áo ấy là được rồi, khoe mẽ làm gì. Bạn bè ba mấy bốn mươi năm không gặp, nay đột nhiên đòi đến nhà chơi thì không vay mượn cũng xin xỏ. Năm mươi hơn rồi, tuổi này bệnh rề rề, chắc là tìm bố nó nhờ giúp ít nhiều chứ gì.

Vợ nói, không cần anh trả lời, cứ thế te tái đi, tiện tay vớ quả ổi trên bàn nhét vào mồm. Anh nhìn cái áo trị giá ba mươi lăm nghìn, thần người.

Tháng trước, điện thoại anh nhận tin nhắn từ số điện thoại lạ. Xin cho hỏi, phải số điện thoại này của Minh không, Minh làng Bưởi, nhà có cây nhãn cộc, có con chó đen tên là Vàng. Tôi là Huy đây.

Anh nhận ra Huy và hồ hởi trả lời tin nhắn, Huy nói tìm được ông tôi mừng quá. Tháng sau tôi về làng, mình gặp nhau cái. Huy kể vô tình gặp được người ở làng Văn Hoa cách làng anh mấy cây số, hỏi lân la cũng về đến làng Bưởi, rồi tìm được anh cũng mất mấy tháng trời.

Suốt một tháng, anh và Huy nhắn tin cho nhau nhắc về lần anh hụt chân suýt chết đuối, may có Huy lôi vào. Rồi lần hai đứa đào được ổ cá trê hơn ba mươi con, Huy bị cá trê thách cho chảy máu tay. Lần hai đứa ra đồng gặp mưa rào, sấm sét ầm ĩ, đám trâu bò sợ hãi lồng lên chạy về, hai đứa suýt bị trâu hất xuống mương...

Ngày bé anh, Huy và Khương là ba thằng con trai chơi với nhau khá thân. Anh với Khương là người làng, còn Huy là được một người chú họ mang về nuôi sau khi bố mẹ qua đời. Thím họ không thích Huy dù Huy rất chăm chỉ, hơn mười tuổi nhưng việc gì Huy cũng phải làm và làm được. Bố mẹ anh vẫn nói anh sang mà học thằng Huy. Khi ấy anh còn cãi, nó ở nhờ nên mới phải làm, con ở nhà bố mẹ mình, cần gì phải vất vả.

Nói là nói thế, anh toàn việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng. Khương ngày ấy ốm yếu bệnh tật suốt nên anh với Huy hay mang đến cho Khương những thứ bắt được, nhặt được ngoài đồng. Anh cắt cỏ, lấy rau lợn, cuốc vườn, tưới rau phụ Huy. Nhà có món gì mẹ cũng nói gọi Huy sang ăn, mẹ vẫn nói tội nghiệp thằng bé. Mang tiếng ở cùng chú thím chứ khác gì đi ở.

Huy ở làng hơn hai năm. Một ngày anh đi học về sang nhà tìm Huy không thấy. Thím Huy nói nó được họ hàng đón đi rồi. Vừa nói thím vừa chao chát ném cái chổi vào con gà mái đen đang bới góc vườn. Bình thường có Huy, nó đâu để gà qué bới chạy lung tung. Nếu lũ gà có lỡ vào vườn, thím sẽ ầm ĩ mắng chửi. Nay không còn Huy, thím không có ai mà chửi, lũ gà bới tung góc vườn là lỗi của thím, chả nhẽ thím chửi mình. Người đàn bà nông thôn nghèo khó cả ngày chỉ cúi mặt, chao chát ầm ĩ như muốn quăng muốn trút cái nghèo của mình, như xả nỗi ấm ức cứ nghẹn nơi cổ họng, ở làng, không riêng gì thím Huy, những người đàn bà đều thế, mẹ anh cũng vậy.

Anh nhìn con lợn sề chồm chân lên cửa chuồng kêu ầm ĩ, nhìn góc sân trống không, cảm thấy hả hê. Bình thường góc sân luôn có đống rau vảy ốc, ít bèo tây Huy lấy sẵn với sự giúp sức của anh. Nay Huy mới đi, mọi chuyện đã lộn tùng phèo, lúc này thím mới thấy bình thường Huy đã làm những gì, anh lững thững đến kể cho Khương nghe, còn nói Huy đi là tốt, còn nói Huy sẽ nhớ bọn mình lắm, đúng không?

Anh thấy vợ nói cũng có lý, mỗi tối vợ ôm tivi xem những bộ phim dài tập ân oán tình thù kể ra cũng không thừa. Bốn mươi năm không liên lạc, nay tự dưng kết nối hẳn phải có lý do. Giống như khoảng hai mươi năm về trước, bạn bè cả chục năm không liên lạc, chợt nhắn tin gọi điện chín phần mười để mời đám cưới hay đầy tháng, thôi nôi con.

Anh định mặc áo, chợt thấy chỗ nách áo bị đứt chỉ một đoạn bằng ngón tay. Anh gọi vợ khâu, vợ không ngừng tay dao. Rách tí mới thật nhà nghèo. Người ta thấy anh nhếch nhác thế sẽ không dám nhờ vả vay mượn. Mà tôi nói trước, bố nó có bạn có bè có thương có đồng tình gì cũng chỉ cho hai ba trăm thôi đấy. Bố nó đưa tới tiền triệu là biết tay tôi. Hai đứa con mỗi ngày mỗi tốn kém, phải chuẩn bị xin việc cho con lớn, rồi lo cho thằng em vào đại học. Nhìn đâu cũng phải dùng đến tiền. Hai ba trăm cũng là tiền đấy.

Anh tròng cái áo thun xám vào người, kiểm tra phích nước sôi, chỉnh lại lọ trà để góc bàn, tự dưng thấy háo hức muốn nhanh gặp lại Huy. Không biết bây giờ Huy thế nào rồi. Chững chạc béo tốt hay hom hem rách nát. Nói gì thì nói, nếu Huy đến nhờ vả thật, anh sẽ lén vợ đưa thêm Huy ít đồng. Anh vẫn rất trân quý những ngày tháng thơ ấu, Huy đi rồi anh với Khương nhớ Huy rất lâu. Những khi tát cá ngoài đồng, anh mang cá về cho Khương, còn đùa không có Huy tôi với ông được chia nhiều hơn. Ngày ấy anh là thằng con trai tồ tệch nhưng cũng biết nhường Huy phần nhiều để Huy bớt phải nghe những mát mẻ bóng gió. Những lời ấy là anh nghe được, Huy tuyệt nhiên không kể lời nào. Hai năm có Huy làm bạn là hai năm sôi nổi. Huy luôn vui vẻ dù ở trong hoàn cảnh không như ý, như thể Huy không bận tâm. Những ngày ấy, hẳn Huy cũng vui khi có anh đồng hành.

Anh nhìn đồng hồ treo tường, đã qua giờ hẹn ba mươi phút rồi vẫn chưa thấy Huy đâu. Anh lững thững ra sân, đi qua chỗ vợ đang băm bèo, ngó đầu ra ngõ nhìn xuôi ngược.

Vợ càu nhàu. Gớm ngày trước bố nó hẹn tôi có thấy thấp thỏm vậy đâu. Người ta là đến nhà mình chứ có phải mình đến đâu mà bố nó trông với ngóng.

Nghe giọng xoe xóe của vợ anh thấy khó chịu, lững thững ra ngõ, đi về phía đường làng. Con ngõ này ngày xưa lát đá xanh, nay đường nhựa phẳng phiu hẳn Huy sẽ thấy lạ và tiếc nuối lắm. Ngày xưa hai thằng chân đất chạy trên những phiến đá mát lạnh, có khi còn ngồi bệt xuống đất, chẳng thấy bẩn thỉu gì.

Ơ, chú Minh ở nhà à, sao chú Huy đến mà không gặp? Thế mà chú ấy nhận ra anh đấy, còn hỏi cây dâu da nhà anh còn không? Anh Tạo đang đứng trên cái thang tre, sửa giàn mướp. Anh giật mình. Em ở trong nhà chứ có đi đâu đâu, em đang chờ Huy tới. Rõ ràng chú Huy mới đi ra, nói là chú không có nhà. Chú Huy đi với chú Bách ở làng Văn Hoa. Anh Tạo nhấn mạnh.

Anh vội vàng quay về nhà, lấy xe máy chạy theo hướng anh Tạo chỉ, lối này đến làng Bòng, ngày xưa anh với Huy có chơi với Quân, nhưng Quân đi miền Nam lâu rồi, Huy đến đấy tìm ai? Ánh mắt anh nhìn ra xa, phía xa khuất sau rặng nhãn là bãi tha ma, có khi nào Huy đến thăm Khương?

Khương mất khi vừa ba mươi, chấm dứt những tháng ngày bệnh tật đeo đẳng. Huy đi thăm Khương, anh sẽ đuổi kịp Huy. Anh không biết Huy tìm không thấy nhà mình hay đã đến và quay về. Anh chợt giật thót khi nghĩ, có khi nào Huy đến và nghe vợ anh nói gì đó nên Huy đã không vào nhà?

Phía trước là bãi tha ma của làng. Anh thấy thấp thoáng có vài người đang thấp thoáng, đến gần, anh thấy những ngôi mộ đều có một cành cúc vàng, ngôi mộ nào cũng đã được thắp hương. Mộ Khương nhiều hoa nhất, hương cháy còn một nửa. Hai người vẫn đang đi thắp hương ở những ngôi mộ, chỉ tay về phía thành phố.

Chú hỏi chú đi ô tô đen hả, chú ấy đi từ nãy giờ rồi. Chú ấy đi cùng hai chú nữa, cắm hoa trên các ngôi mộ và thắp hương cùng khắp, nói đây đều là người làng, từng quen biết và giúp đỡ chú ấy.

Anh thần người nhìn mộ Khương, Khương đã gặp Huy, chỉ có anh, người bạn thân nhất thì lại không được gặp. Anh rút điện thoại ra gọi thì tổng đài báo thuê bao quý khách...

Anh thất thểu về nhà, thấy mình thật khốn nạn, thế mà dám gọi nhau là bạn. Bạn bè gì thứ anh, làm gì có ngữ bạn chưa gì đã muốn đề phòng bạn mình, giả nghèo giả khổ để khỏi phải nghe lời than vãn vay mượn. Người ở bãi tha ma nói ba người đi hai xe ô tô, chắc chắn là ô tô ấy đắt tiền sang trọng và giá trị hơn con xe ghẻ của anh.

Vợ thấy anh, thảng thốt, bố nó sao vậy, xe đâu?

Anh lê bước vào nhà, xe hình như vứt ngoài bãi tha ma rồi, anh cứ thế lê bước về làng, đoạn đường này hồi đó anh với Huy chạy nhoắng một cái là hết, nay không biết anh đi trong bao lâu. Lúc đi trên đường hình như có người chào hỏi nhưng anh không trả lời, không biết người ta chào hỏi hay đang cười mỉa mai giễu cợt anh với cái áo hàng đổ đống trị giá ba mươi lăm nghìn. Có lẽ cái áo ấy còn giá trị hơn con người anh. Anh Tạo đứng ngoài ngõ. Chú đi đâu vội thế, khi nãy tôi còn chưa nói hết câu. Anh Tạo đưa ra hộp giấy nhỏ. Chú Huy gửi chú. Anh mở hộp giấy, là con trâu đất đen nhánh với cặp sừng cong đầy ngạo nghễ. Trên lưng trâu có hai cậu trai nhỏ ngồi vắt vẻo. Là ai ngoài anh và Huy. Huy là bạn anh, và anh đã từng là bạn Huy.

Anh vươn tay cởi cái áo đã đẫm mồ hôi, cái áo trị giá ba mươi lăm nghìn bị giằng mạnh, kêu roạt một cái, chỗ nách áo bị sứt chỉ lúc trước nay toạc thêm một đường dài.

Anh nhìn cái áo rách, ném nó xuống đất và cười, nãy mà khâu thì đã lành lặn, còn mặc được thêm ít lâu. Giờ toang hoác thế này thì chẳng khâu vá gì nữa, từ nay mày sẽ là giẻ lau. Anh bật khóc.

Cái áo ba mươi lăm nghìn - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Bình- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.