Trong hành lang bệnh viện, người đàn bà đi đi lại lại, hai tay chắp trước trán, miệng lẩm nhẩm cầu xin. Người đàn ông chạy tới, gương mặt thất thần, hai tay giữ vai vợ, giọng hốt hoảng:
- Con đâu, thằng bé đâu, thằng bé đâu?
- Trong kia… - Chỉ tay vào phòng cấp cứu, người phụ nữ ôm chầm lấy chồng òa lên khóc.
Phía trong phòng cấp cứu bác sĩ đang tìm cách cứu thằng bé. Đứa bé là con của người đàn ông với người vợ sau. Trong phòng cấp cứu, người vợ cũ và bây giờ là hàng xóm đang cố cứu đứa trẻ của người đàn bà và người đàn ông đã từng khiến chị đau đớn nhất.
Người chồng tên là Sinh, người vợ cũ tên Tâm, người vợ sau tên Hoa. Ngôi nhà bà Tâm đang ở và nhà vợ chồng Sinh, Hoa vốn là một. Nhưng vài năm nay ngôi nhà được xây thêm một bức tường ngăn. Phía trước có một hàng rào ngăn sân thành hai. Đứa bé đang nguy cấp trong phòng cấp cứu kia còn nhỏ hơn tuổi đứa cháu ngoại của ông Sinh.
Vài năm trước, bà Tâm và ông Sinh còn sống chung trong vỏ bọc của cuộc hôn nhân hơn hai mươi năm. Họ có với nhau hai đứa con gái. Ngày con gái lớn đi sinh thì họ được tòa triệu tập để giải quyết ly hôn sau hai lần gọi lên hòa giải.
Nghĩ tưởng đó là cái tin xấu cho cô con gái chuẩn bị lên bàn sinh nhưng không ngờ nó lại vui mừng:
- Mặc dù muộn nhưng vẫn hơn, mẹ tới tòa đi, ở đây có chồng con, và bạn con là bác sĩ đỡ đẻ rồi. Mẹ giải quyết cho nhanh xong rồi về ôm cháu ngoại cho thanh thản.
Cô con gái lớn tên là Mai. Mai lấy chồng sớm nhưng hiếm muộn, mất năm năm mới có bầu. Nghe tin bố mẹ lên tòa vào đúng ngày đi sinh, đó không phải gánh nặng mà lại là một niềm vui với cô. Mai nói: Chắc lúc cho con về ngoại, cháu không chứng kiến ông bà cãi nhau nữa, mẹ nó đã chứng kiến đủ rồi, để nó phải chứng kiến thì thật mất mặt.
Mai nhớ lại tuổi thơ của hai chị em chưa từng có một bữa cơm yên lành chỉ vì bố mẹ nói với nhau tới câu thứ hai là bắt đầu không ai giữ được bình tĩnh, miệng nói và chân tay hành động. Mâm bát không chỉ xô nhau mà bay vèo vèo qua mặt các con, chẳng bữa ăn nào yên ổn. Lúc học lớp 10, Mai từng hét vào mặt mẹ:
- Sao bố mẹ không bỏ nhau đi…
- Tao vì hai đứa chúng mày nên mới phải chịu đựng bố mày…
- Vì con, vì chúng con ư. Thế thì con xin đừng vì chúng con nữa được không? Hai người đừng ở cùng nhau nữa, để chúng con được một bữa cơm ăn cho yên lành, để chúng con được một đêm ngủ không bị tỉnh giữa đêm vì tiếng hai người cãi nhau được không.
Mai từng phải chuyển trường học vì cô trầm cảm và có những hành động bất thường trong lớp. Bác gái của Mai đã phải xin cho cô chuyển trường để cô về sống cùng bà ngoại, tránh những cuộc cãi vã của bố mẹ. Nhưng sau đó vài tháng bà ngoại qua đời, Mai lại trở về sống cùng bố mẹ.
Năm 19 tuổi, khi bạn bè còn đi học, Mai đã gật đầu lấy một anh chàng gần nhà, chỉ để có cớ thoát ra khỏi nhà của bố mẹ. Mặc cho bố mẹ phản đối, Mai nói nếu không đồng ý tổ chức lễ cưới thì cô theo anh ta bỏ đi.
Sau khi cưới, Mai theo mẹ chồng ra chợ bán hàng. Cô nói mẹ chồng không ưa gì cô nhưng ít ra đó là mẹ chồng nên những gì bà nói không khiến cô để tâm và đau đớn như chính bố mẹ mình.
***
Ông Sinh thường trách vợ là người quá tham công việc nên bỏ bê con cái cho chồng. Bà Tâm là y tá ở bệnh viện. Ông Sinh mở một xưởng cơ khí nhỏ tại nhà. Chẳng ai nhớ từ khi nào vợ chồng hay cãi nhau nhưng bà Tâm cho rằng vì ông Sinh gia trưởng, muốn bà đẻ thêm con trai nên mới hay sinh sự. Còn ông Sinh thì cho rằng vợ mình chỉ đẻ mà không chăm sóc con cái, đi tối ngày để con gái cho chồng vừa làm vừa chăm.
Thế là những bữa cơm gia đình liên tục trở thành trận chiến. Hai đứa con gái chan cơm bằng nước mắt.
Sau khi bố mẹ ly hôn, cô con gái thứ hai nói đón mẹ lên ở cùng, vừa là để tách khỏi nơi chốn cũ, vừa nhờ mẹ cùng hỗ trợ trông con. Thế nhưng bà Tâm nhất định không đi:
- Tao phải ở lại đây, để xem rồi ông ấy đưa con nào về, rồi xem…
Cuối cùng thì ngày ấy cũng tới. Ông Sinh làm mấy mâm cơm mời họ hàng để đón vợ hai về. Ngày đón vợ hai về thì đón luôn cả thằng con trai mấy tháng tuổi về. Ở bên đây bức tường, bà Tâm chết lặng khi nghe thấy người ta nói: Thằng bé giống ông Sinh như đúc. Có người bảo nhìn là biết, không cần xét nghiệm AND cho tốn kém.
Bà Tâm cả ngày không ra ngoài sân, cứ cố ngồi sát bức tường ngăn cách giữa hai nhà. Hai đứa con gái về nhà nhưng cũng chỉ sang nhà bố một lúc rồi sang chỗ mẹ.
- Bên đó đông vui, sao chúng mày không ở đó sang đây làm gì. Về ăn cỗ bố cưới vợ mà.
- Mẹ, hai người ly hôn rồi… nhưng dù gì bố vẫn là bố con, dù gì con với thằng bé vẫn là chị em.
- Ừ thế nên tao mới bảo chúng mày ở đó chứ về đây làm gì, về xem tao đau đớn thế nào à? Để xem rồi được bao lâu.
Từ ngày hôm ấy bức tường và hàng rào ngăn cách giữa hai nhà như vô duyên hơn. Một bên muốn chắn cao hơn để tránh đi ánh nhìn từ phía bên kia. Một bên lại muốn nó đổ sập xuống để thừa cái cớ nhìn cho rõ cái thằng bé ấy giống bố nó thế nào.
Giá như đứa bé là con gái, có lẽ bà Tâm đã hả hê. Sao nó lại có thể là con trai được cơ chứ. Bên này Hoa thường lấy cớ kéo những bộ cửa, những cái tủ mà chồng làm cho người ta vào sát hàng rào hơn.
Một bên trẻ con khóc, thì một bên mở nhạc to hơn. Một bên có tiếng ru trẻ thì một bên mở bài Rồi người cũng bỏ ta đi.
***
Trẻ con hồn nhiên không hiểu chuyện của người lớn, thằng bé Tôm khi biết đi thì cứ rình rình là đứng bên hàng rào rồi tìm cách chui sang bên kia. Người mẹ đe con:
- Đừng sang nhà cô đó, sang đó có phù thủy bắt con đấy…
Thế rồi Hoa nói chồng làm cửa hướng khác, không để cửa nhà mình với cửa nhà bà Tâm thẳng hàng nhau nữa. Thế nhưng ông Sinh nói mở cửa hướng kia là hướng Tây không tốt.
Nhiều lần Hoa định chở con đi ra cổng thì nghe thấy tiếng lách cách của bà Tâm dắt xe đi. Hoa lùi lại muốn đợi nghe tiếng xe máy của bà Tâm rồi mới bước ra. Nhưng mỗi lần như thế, bà Tâm lại cố dừng lại lâu hơn, lách cách cái ổ khóa mãi không bấm vào được.
Có lần thằng Tôm không biết, chạy theo chị gái khi thấy chị gái qua nhà bên kia. Nó sang sân nhà bà Tâm. Bà Tâm ra đón cháu ngoại, nhìn thấy thằng bé, bà ngập ngừng một lúc rồi cũng chia hai gói bánh trên tay, một gói cho cháu ngoại, một gói cho thằng bé. Nhưng thằng bé chưa kịp mở gói bánh thì bà giật lại nói:
- Thôi đi về, đi về - Bà giật lại gói bánh, chỉ tay làm thằng bé giật mình chạy về.
- Mẹ, là đứa trẻ thôi mà, một gói bánh thôi mà, cho nó thì sao.
- Ừ, không cho thì yên, cho thì có khi có chuyện. Các con chưa hiểu được đâu.
Có lần hai đứa con gái nói với mẹ rằng mẹ đã mất cả đời chôn vùi trong cuộc hôn nhân địa ngục ấy, giờ mới dám ly hôn, sao không giải phóng mình lại còn tự chôn mình trong nỗi đau tiếp theo, để ý nhà khác làm gì. Nào ngờ bà nói:
- Thì cả đời tao đã ở đó mà. Ông ấy còn nợ tao…
Nghe vợ mách thằng con chạy sang nhà bà Tâm, khi về thì đầy nước mắt, ông Sinh châm điếu thuốc rồi quay sang nhìn vợ:
- Đợi tôi làm thêm gom đủ tiền thì mình mua lên khu đầu làng…
- Đến bao giờ mới gom đủ.
- Đang lúc khó khăn, đơn hàng ít, phải đợi đã. Tốt nhất trông thằng bé cho kỹ, đừng để nó chạy sang đó.
***
Hôm nay chủ nhật, khi đang nằm ngủ trưa thì bà Tâm nghe tiếng gào thét ở nhà bên.
- Cứu, cứu con tôi với, cứu với…
Bà bật dậy, đi về phía sát bức tường ngăn giữa hai nhà. Tiếng kêu rõ hơn. Tự dưng bà nở nụ cười. Nhưng tiếng kêu ấy lần nữa hoảng loạn hơn. Bà chạy ra kiễng chân nhìn qua hàng rào. Hoa đang lay lay đứa con trai. Ở bên ngoài đã có vài người chạy tới nhưng không mở được cổng vào. Bên trong, Hoa bối rối vừa ôm con vừa loay hoay không nhớ chìa khóa cổng đã để đâu.
Trong lúc người ta đập phá khóa, thì bà Tâm xé rào nhảy sang.
- Đưa nó cho tôi, đưa đây, nó sặc cháo đúng không?
Trong tiếng khóc nấc, Hoa không trả lời được mà gật gật. Thế nhưng khi đưa đứa con đã tím tái sang cho bà Tâm thì cô lại định thu lại. Bà Tâm mạnh tay giữ lấy thằng bé rồi hét:
- Để tôi cứu nó, nhanh lên.
Vừa nói, bà Tâm vừa lấy tay giữ người thằng bé, ép mạnh vào phần bụng dưới lõm ức mấy cái rồi lại đặt nó nằm ngửa rồi hà hơi. Lúc đó người ta, người phá khóa cổng, người phá hàng rào ngăn hai nhà, để tìm cách vào trong. Bà Tâm ngẩng lên hét:
- Đưa lên viện, ai có xe hoặc gọi xe, cùng tôi cho nó lên viện.
Trên xe, bà Tâm vẫn tiếp tục ấn tim hô hấp cho thằng bé. Khi xe dừng ở bệnh viện, bà hét lớn cứu, cứu. Nhân viên nhận ra bà Tâm, người vừa mới về hưu tháng trước nên thao tác càng nhanh.
***
Ông Sinh nhận tin báo liền chạy tới bệnh viện. Hai đứa con gái cũng được người ta báo tin cho biết, lập tức chạy tới bệnh viện.
Bốn người đứng đợi bên ngoài phòng, không ai nói gì với ai, chỉ đi đi lại lại rồi lại nhìn nhau, rồi lại ngấp nghé nhìn vào phòng cấp cứu chờ đợi và cầu khẩn.
Khi cánh cửa phòng cấp cứu mở ra, mọi người xồ tới, ai cũng chực nói "Bác sĩ…" nhưng câu nói đều cụt lút. Bà Tâm nhìn vào họ, đặc biệt nhìn vào hai đứa con gái. Một lúc sau bà nói:
- Ổn rồi. Yên tâm đi.
Bà Tâm nói xong thì đi về phía phòng trực bác sĩ. Đã lâu lắm gương mặt bà mới xuất hiện một nụ cười mỉm, các cơ mặt lúc này mới được giãn ra.
Trong phòng chờ, các bác sĩ vẫn còn sôi nổi nói về việc trẻ nhỏ bị sặc thức ăn. Bà Tâm không nói gì mà quay lại phía hành lang nói với đứa con gái:
- Mẹ vừa gọi cho cô Lan. Sáng mai, mẹ và nhóm bạn đi nghỉ một tuần ở Đà Nẵng, khi về mẹ sẽ lên ở với mẹ con cái Thu.
Hai đứa con gái nghe mẹ nói thế, gương mặt cũng giãn nở ra và mỉm cười. Theo sau bà Tâm, ông Sinh nói nhỏ:
- Tâm, tôi xin lỗi, xin lỗi đã nợ em một lời hứa - Bao nhiêu năm là vợ chồng ông chưa từng nói được lời xin lỗi vợ. Bà Tâm nghe thế liền dừng lại, một lúc sau bà quay người nhìn vào ông Sinh.
- Sai lầm của chúng ta là đã không ly dị sớm hơn khi không thể cứu vãn. Lời hứa năm đó, mà thôi giờ mọi chuyện đã thành quá khứ rồi, quên đi được rồi.
Ngày ấy khi còn trẻ, Tâm đã nói với Sinh rằng cô sợ lấy anh vì anh là con trai một. Cô sợ tư tưởng vẫn phải có con trai nên sợ lấy phải con trai một thì càng bị áp lực chuyện đó. Ngày ấy Sinh đã từng nói rằng kể cả có hai cô con gái cũng không sao, sẽ không ép vợ sinh thêm con. Nhưng rồi cuộc hôn nhân của họ vẫn nhiều trục trặc cãi vã, trong đó cũng không ít lần liên quan tới chuyện sinh thêm con hay không.
Bà Tâm quay lại nhìn vào Hoa:
- Lần sau cho nó ăn thì chú ý hơn. Tôi đi nhiều ngày, cái hàng rào đã bị gỡ thì không cần rào lại cũng được, lúc thằng bé về cho nó chạy sang chơi với cái chậu hoa cúc gỗ. Tôi thấy mấy lần nó sang đều đứng ở cái chậu hoa ấy.
- Chị Tâm. Em đội ơn chị! Chị đi nghỉ đi, em sẽ về tưới chậu hoa cho.
Hai cô con gái chạy theo, mỗi đứa khoác một bên tay mẹ. Có lẽ đây là giây phút bình yên nhất mà bao lâu nay họ đã lãng quên.
Bình luận (0)