Cái ao làng tôi

09/09/2020 08:00 GMT+7

Cả mấy tuần nay, dự báo khu vực miền Trung vẫn luôn là tiết trời nắng nóng kéo dài, không một giọt mưa, lòng tôi lại nôn nao nhớ đến cái cảnh quê nhà mùa khô thiếu nước và nhớ cái ao chứa nước của làng...

Làng tôi nằm bên bờ sông Gianh nước mặn chát, nước giếng cũng mặn chẳng khác nước sông, vì thế chẳng ai đào giếng. Cả làng chẳng có cái giếng nào. Việc tắm rửa, giặt giũ đều dùng nước sông, còn nước ăn uống: mùa mưa đã có nước mưa, mùa nắng lấy nước từ ao làng.
Chẳng biết ao làng có từ bao giờ. Chỉ biết khi tôi chập chững biết đi, biết chạy thì đã có ao làng. Ao làng tôi nằm ở khoảnh ruộng phía đầu làng, chỉ đào sâu hơn mặt ruộng 1m, mỗi cạnh chừng hơn 20m, bờ ao được đắp cao cũng gần 1m để giữ nước. Nước ao là nước mưa dồn lại. Mùa lụt, nước lụt tràn qua, ao mới được đầy nước. Gần quanh năm dân làng lấy nước ao để ăn uống. Mỗi sáng tinh mơ mọi người í ới gọi nhau mang quang gánh lũ lượt đến ao làng gánh nước, rồi vội vã về cho kịp đi làm đồng. Những đêm trăng thanh gió mát, các đôi trai gái đang tuổi yêu đương cũng tranh thủ ra ao gánh nước để tỏ tình, hò hẹn. Tội nhất vẫn là những bà cụ, tóc bạc, lưng khòng, bước thấp bước cao trên bờ ruộng, chỗ lồi chỗ sụt, cố không để bị vấp ngã, gánh được gánh nước về nhà phải nghỉ ba bốn chặng. Dụng cụ gánh nước là đôi quang gánh và hai cái trình (loại hũ bằng sành), người ta để thêm trên mặt trình những chiếc lá tre để nước không bị sánh ra ngoài.
Nỗi lo canh cánh thường trực của dân làng tôi vẫn là “lo việc nước”. Mùa mưa xối xả, nước ngập mênh mông, lòng quặn thắt vì nhà cửa, của cải ngập trôi trong nước. Nhưng được cái mùa mưa thì sẵn nước trời để đun nấu, ăn uống. Mùa nắng, nắng chói chang, bỏng rát. Từ 6 giờ sáng, mặt trời vừa ló dạng đã thấy không khí nóng nực, oi bức. Đến trưa và chiều thì nóng bỏng rát, nhìn ra ngoài đồng thấy trước mắt là hàng ngàn cục nắng vàng hoe, nhảy múa. Người dân vùng tôi vẫn nói “nắng hoa cả mắt”, “nắng chộ ông bà ông vải”. Giữa trưa không ai dám ra đường, ngồi trong nhà vẫn hầm hập như ngồi trên đống lửa. Cả đêm không khí vẫn oi nồng như vậy. Mùa nắng có năm kéo dài suốt từ tháng 3 đến tháng 7, không một giọt mưa.
Những tháng hè bỏng rát, lo được nước ăn uống quả là một vấn đề nan giải. Nước ao làng chỉ dùng được những tuần đầu hè. Ao dần cạn, người ta dùng những cái gáo dừa chắt từng gáo nước đục ngầu đưa về để cho lắng lại rồi đem sử dụng. Chưa đến giữa mùa hè ao làng đã cạn hết nước, đáy ao trơ ra, nứt nẻ, người làng tôi băng đồng qua các làng lân cận Hợp Hòa, Hòa Ninh để xin nước, hoặc chèo thuyền lên tận giếng Mới, giếng Mối Mối vùng núi Hói Đá, Phù Mỵ chở nước về.
Những tháng ngày khát nước, mọi người lại cầu mong có được trận mưa rào để lấy nước ăn uống. “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày”… Trời đang nắng hạn mà gặp được trận mưa rào thì không thể diễn tả hết niềm vui của mọi người. Nhà nào cũng vội vội vàng vàng mang đủ thứ ang hũ, xoong nồi, thau chậu… dàn ra mái hiên hứng nước. Không có máng, họ cắt những bẹ chuối làm máng hứng. Lũ trẻ con thì vừa phụ giúp người lớn hứng nước mưa, vừa được cởi trần tắm mưa, khoái chí reo hò vang xóm. Nhà khá giả, lợp mái ngói, nước mưa trong và ngọt lắm. Đi làm đồng về mệt mỏi, lấy cái gáo dừa, múc một gáo nước mưa trong chum, tu ừng ực một hơi, mát nhẹ cả người. Nhà nghèo, mái lợp tranh, lợp toóc, nước mưa hứng được màu nâu đỏ quạch, vẫn tốt hơn nhiều so với nước ao làng.Thời đó, chưa có phong trào xây bể cạn, mỗi nhà có một đến hai cái chum để đựng nước. Nước mưa cũng chỉ dự trữ được một vài tuần, còn chủ yếu vẫn dùng nước ao làng.
Nỗi khổ vì chuyện “nước non” và cái ao làng của làng tôi tồn tại cho đến hết thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI. Đầu thế kỷ XXI, thị xã Ba Đồn được thành lập, dân làng tôi bỗng nhiên trở thành “dân thị xã”. Nhà máy nước được thành lập, lấy nước từ nguồn Nan về cung cấp cho cả vùng. Làng tôi có điện, nhất là có nước máy để ăn uống, không còn cảnh quảy quang gánh đi chắt từng gáo nước như xưa. Cái ao làng cũng được phá bỏ để làm ruộng cấy lúa. Từ đó, ao làng chỉ còn tồn tại trong ký ức của dân làng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.