Ngoài việc người dân hạn chế ra đường thì còn nguyên nhân khác là từ 1.4, TP.HCM không nhận trực tiếp những loại hồ sơ đã được đưa lên cổng dịch vụ công trực tuyến (nộp hồ sơ qua mạng). Điều này có nghĩa, hầu hết hồ sơ được giải quyết mấy tuần qua là nộp qua mạng.
Năm 2019, trong số 21,4 triệu hồ sơ được giải quyết tại TP.HCM thì chỉ hơn 6 triệu hồ sơ được nộp và giải quyết trực tuyến (tương đương 28%), trong đó phần lớn là hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp, cho thấy đa phần người dân vẫn chọn phương thức nộp hồ sơ trực tiếp. Nguyên do: người dân có quyền chọn một trong hai hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp, và theo thói quen, họ chọn trực tiếp đi làm hồ sơ, giấy tờ.
Khi thực hiện cách ly xã hội, việc hạn chế nhận hồ sơ trực tiếp đã buộc người dân có nhu cầu thực sự phải tìm hiểu để sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thực tế, nộp hồ sơ qua mạng không quá khó với phần đông người dân, nhất là khi tỷ lệ người sử dụng internet và điện thoại thông minh tăng lên từng ngày. Chưa kể, nộp hồ sơ qua mạng, người dân không phải mất công đi lại và chờ đợi.
Tại TP.HCM, nhiều địa phương như Q.1 đã giải quyết toàn bộ 41 thủ tục hành chính qua mạng từ tháng 7.2019 nên việc ngừng nhận hồ sơ trực tiếp không tác động nhiều đến người dân. Để đạt được kết quả này, quận hướng dẫn người dân từng bước để khi nộp hồ sơ tiếp theo, người dân có thể tự thực hiện, dần dà thành thói quen.
Ngoài hình thức nộp qua website, nhiều địa phương còn mở thêm kênh nộp qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh như “Quận 1 trực tuyến”, “Hóc Môn trực tuyến”...
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng trong 3 tuần qua là tín hiệu đáng mừng, cho thấy “cái khó, ló cái khôn”. Nó cũng là tiền đề quan trọng để TP.HCM đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và điều chỉnh cho phù hợp, cung cấp thêm nhiều tiện ích xã hội.
Bình luận (0)