Cái lý của người Mông: 'Cướp vợ'

Khánh Hoan
Khánh Hoan
16/04/2023 07:30 GMT+7

Sự lựa chọn của nam nữ trong kết hôn được người Mông rất tôn trọng. Và ở nơi núi rừng thâm u này, rất nhiều đôi trai gái kết hôn rất sớm bằng phong tục "cướp vợ".


Tiếng khèn tỏ tình và tục "cướp vợ"

Cách tỏ tình của con trai người Mông khá độc đáo. Vào buổi tối, chàng trai mang khèn đến sát vách tường nhà, nơi gần phòng cô gái ngủ rồi thổi khèn để tỏ tình. Chàng trai sau đó sẽ tặng cô gái một trong các kỷ vật: kẹp tóc, nhẫn, gương, cuộn chỉ… Nếu trong vòng 3 ngày, kỷ vật không bị trả lại có nghĩa là cô gái đã xiêu lòng, ưng thuận và sau đó là đám cưới.

 Cái lý của người Mông: 'Cướp vợ'  - Ảnh 1.

 Cái lý của người Mông: 'Cướp vợ'  - Ảnh 2.

Đám cưới của đôi bạn trẻ người Mông ở Nghệ An

K.HOAN

Bên cạnh cách tỏ tình rất tế nhị đó, người Mông cũng có tục "cướp vợ", mang tính cưỡng ép cô gái về làm vợ. Tục "cướp vợ" này xuất phát từ thời phong kiến khi có một số gia đình có quyền lực dùng vũ lực để cưỡng đoạt các cô gái trẻ. Theo cuốn Văn hóa người Mông ở Nghệ An của TS Hoàng Xuân Lương, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thực chất đây là tục rất nhân văn, khoan dung với người nghèo.

Phong tục cưới xin của người Mông nhiều nghi lễ nặng nề, nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết, nhưng chàng trai nghèo không đủ lễ vật để cưới. Để cưới được nhau, đôi trai gái bèn tặng nhau kỷ vật rồi hẹn nhau. Đến hẹn, chàng trai đến dắt tay cô gái đưa về nhà mình trước sự chứng kiến của bạn bè. Nếu có người ngăn cản, phá đám, những người bạn đi cùng sẽ bảo vệ. Cô gái giả vờ chống cự, buộc người con trai phải kéo đi. Sau một đêm ở nhà bạn trai, cô gái không có quyền về nhà mình nữa và 3 ngày sau, nhà trai cử người đến nhà gái báo tin. Nếu nhà gái phản ứng, đại diện nhà trai sẽ đưa các kỷ vật của đôi nam nữ tặng nhau ra để làm bằng chứng. Sau đó là đám cưới với các nghi lễ đơn giản, ít tốn kém. Con gái người Mông cũng thích được "cướp" vì như thế chứng minh rằng họ rất có giá trị và sau khi về làm vợ, người chồng và nhà chồng phải đối xử tử tế vì họ được nhà chồng bắt về chứ không phải tự theo về.

Nếu con trai bắt con gái về nhà mình nhưng sau 3 ngày cố tình không cưới mà không có lý do chính đáng sẽ bị nhà gái bắt phạt đền. Tiền phạt hiện nay tương đương với 1 con bò (khoảng 12 triệu đồng).

Thách cưới

Sau khi được nhà gái chấp nhận, nhà trai sẽ mang lễ vật đến để dạm hỏi. Hai ông mối đại diện cho nhà trai mang theo lễ vật gồm thuốc lá và tiền bạc. Trên đường đi, hai ông mối cẩn thận để tránh gặp rắn, tiếng con hoẵng kêu vì đó là điềm gở và phải đi một mạch đến nhà gái, không rẽ ngang, rẽ dọc. Lễ dạm hỏi tuy đơn giản, nhưng ông mối phải có tài ứng xử, lý lẽ giỏi để thuyết phục nhà gái.

Lễ cưới sẽ diễn ra sau khi hai bên thỏa thuận ngày cưới và lễ vật thách cưới. Ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, cho biết ngày xưa, nhà trai phải chuẩn bị lễ vật cưới rất tốn kém, trong đó có bạc nén, từ 3 - 8 đồng. Ngày nay, lễ vật cưới thường được hai bên thỏa thuận là con bò hoặc lợn tương đương 12 triệu đồng, thuốc lá, rượu… do nhà trai đưa cho nhà gái để nhà gái tổ chức mâm cỗ cưới. Trên đường đến nhà gái, nếu gặp đám tang thì phải chạy trốn vào rừng để tránh điềm xấu.

Khi đến nhà gái, người chủ hôn phía nhà trai mang theo cái ô màu đen được buộc chiếc khăn vải trắng, tượng trưng cho sự che chở và sự gắn bó suốt đời của đôi vợ chồng. Các mâm cỗ không được đưa lên cùng lúc mà lần lượt thứ tự theo vị trí thứ bậc trong đám cưới. Tại lễ cưới ở nhà gái, chú rể phải uống 10 chén rượu theo các nghi thức và được người phù rể bên cạnh hỗ trợ.

Ông Thò Bá Rê cũng cho biết, sau tiệc ăn uống, đại diện nhà trai, nhà gái sẽ công bố số tài sản tặng con trai, con gái. Hai bên làm cam kết, thỏa thuận việc bồi thường nếu cuộc hôn nhân không may bị đổ vỡ. Nếu ly hôn mà nguyên nhân do người vợ thì nhà trai không phải bồi thường tài sản nhà bố mẹ cô gái đã tặng, nhưng nếu là lỗi của người chồng thì sẽ phải đền bù như đã thỏa thuận. Sau khi đám cưới được tổ chức ở nhà gái, nhà trai đưa dâu về và sau đó tổ chức tiệc ăn mừng và cô dâu, chú rể, người chủ hôn tiếp tục thực hiện một số nghi lễ chúc rượu, báo cáo với gia đình, dòng họ nhà trai việc nhà gái tổ chức đón rước nhà trai và lời nhắn gửi của nhà gái.

Người Mông chung thủy, rất ít cặp vợ chồng ly hôn. Nguyên nhân ly hôn chủ yếu do người chồng nghiện ma túy, cờ bạc hoặc ngoại tình. Tục xưa của người Mông có quy định chồng chết thì chị dâu lấy em chồng, tuy nhiên tục này hiện đã được bãi bỏ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.