Ngày lên rẫy, đêm đi học chữ
Đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, khi bóng đêm phủ xuống vùng rẻo cao Mường Lống (xã Tri Lễ, H.Quế Phong, Nghệ An), lớp học dạy chữ do Đồn biên phòng Tri Lễ tổ chức lại sáng đèn. Sau bữa cơm tối, chị Thò Ý Pa lại cắp sách đến lớp với một tâm trạng khá háo hức. Hồi nhỏ, chị Pa không được đến trường và nay chị đi học ở tuổi 34. Ngoài chị Pa, có 49 học viên khác là phụ nữ người Mông ở bản Mường Lống cũng tham gia lớp học. Mỗi buổi học 2 giờ đồng hồ, ngoài những người bận việc gia đình không thể thu xếp, còn lại đều đến lớp khá đều đặn.
Bản Mường Lống có gần 140 nóc nhà, nằm cách xa trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30 km, đường đất, mưa là nhão nhoẹt. Lớp học này do 4 giáo viên, trong đó có 2 chiến sĩ bộ đội biên phòng là người Mông và 2 tình nguyện viên cũng là bộ đội. Thượng úy Xồng Bá Khư, giáo viên người Mông dạy lớp học này, cho biết phụ nữ trong bản phần lớn không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Do đó, thượng úy Khư và các đồng nghiệp phải sử dụng cả tiếng phổ thông và tiếng Mông để dạy. Để các học viên nhớ lâu và háo hức học, các thầy giáo mang quân hàm này phải nhờ các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Tri Lễ 4 hỗ trợ soạn giáo án. Đêm ở núi rừng tĩnh mịch. Tiếng ê a học bài của những chị em người Mông vang lên trong đêm như xua tan nỗi buồn vùng biên ải.
Mới tham gia lớp học, những học viên lớp 1 trên 30 tuổi này còn tỏ ra e ngại. Những bàn tay chỉ quen cầm cuốc, cầm dao cặm cụi trên nương rẫy khá lúng túng khi cầm bút. Nhưng nhờ sự tận tâm của những thầy giáo, các chị em sau đó đã quen dần và tỏ ra háo hức. Sau 3 tháng, nhiều chị đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, nhưng sướng nhất vẫn là biết sử dụng và nhắn tin qua điện thoại. Lớp học chữ này kéo dài 6 tháng. Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ được kiểm tra để cấp chứng chỉ.
Vượt qua rào cản
Ông Lỳ Bá Thái, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An), là người Mông. Ông Thái nói ngày trước, con gái người Mông hầu như không được đi học. Do đó, phụ nữ Mông từ 40 tuổi trở lên hầu hết không biết tiếng phổ thông. Ông Thái bảo trong lớp học của ông chưa bao giờ có một bạn nữ nào. Đó là do quan niệm của người Mông cho rằng con gái là con nhà người ta, rồi cũng gả bán nên không muốn cho con đi học.
Năm 2002, Trường THPT Kỳ Sơn có một sự kiện đáng nhớ khi một nữ sinh người Mông đầu tiên tốt nghiệp lớp 12. Đó là chị Vừ Y Xừ (ngụ xã Huồi Tụ, H.Kỳ Sơn). Đang học lớp 6, chị Xừ phải lấy chồng theo yêu cầu của gia đình. May mắn cho cô sơn nữ này là chồng lúc đó cũng đang học ở TP.Vinh, rất ít khi về nhà nên bố mẹ chồng cho chị học tiếp và chị đã vượt qua được rào cản để thi đậu đại học, trở thành bác sĩ. Hiện bác sĩ Xừ là Phó khoa Sản - Trung tâm y tế H.Kỳ Sơn. Người phụ nữ này cho rằng mình may mắn hơn nhiều phụ nữ Mông khác vì từ nhỏ nhờ học tốt và ham học nên không bị bố mẹ ngăn cản.
Ông Thò Bá Rê (44 tuổi), Phó chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, là một trong những người Mông đầu tiên ở Nghệ An có bằng đại học chính quy. Ông cũng là người đầu tiên của xã Đoọc Mạy đi học đại học. Ông Rê là anh cả của 12 người em. Thấy con sáng dạ, bố mẹ ông chạy ăn từng bữa để nuôi con học. Sau khi học hết lớp 2 ở bản, cậu học trò này phải băng rừng gần 20 km để theo học lớp 3 ở xã khác vì xã Đoọc Mạy lúc đó chỉ mới có điểm trường dạy đến lớp 2. Lên lớp 6, cậu học trò người Mông này lại phải đi bộ hai ngày liền, vượt hơn 60 km mới xuống được huyện để học. "Đi từ sáng đến tối, thấy nhà nào bên đường mở cửa là tôi vào xin ngủ nhờ. Rồi tảng sáng hôm sau lại dậy thắp đuốc đi tiếp. Đến cuối chiều mới tới được trường", ông Rê kể.
Thế nhưng khó khăn lớn nhất đối với ông Rê không phải là đường đi mà là gia đình, dòng họ. Năm ông Rê lên lớp 10 thì bố ông ốm nặng. Trước đó, 6 đứa em của ông lần lượt qua đời vì bệnh tật. Trong một lần về thăm nhà, bố ông cầm tay nói "con đừng đi học nữa, con là con trai cả, ở nhà làm việc nuôi em", rồi bố ông mất. Sau nhiều ngày tự đấu tranh với chính mình, cậu học trò này quyết định tiếp tục đến trường. Rồi Thò Bá Rê đậu vào Trường đại học Nông Lâm Huế và sau 4 năm vật lộn với muôn vàn khó khăn, chàng sinh viên người Mông tốt nghiệp và được nhận về công tác ở H.Kỳ Sơn cho đến nay.
Ông Rê nói người Mông bây giờ không còn phân biệt vai trò của con trai, con gái nữa nên trẻ em đến tuổi đều được đến trường. Người Mông cũng đã dứt bỏ được cây thuốc phiện, loại cây đã gắn bó với đồng bào từ hàng trăm năm qua và nhiều hủ tục lạc hậu đã được thay đổi.
Bình luận (0)