Ma bếp
Ngôi nhà người Mông được chia thành hai phần rõ rệt là 3 gian nhà chính và gian bếp. Gian bếp người Mông không chỉ là nơi để nấu nướng, nơi cất giữ thực phẩm, hạt giống mà còn là nơi đoàn tụ, gắn kết các thành viên trong gia đình.
Ông Lỳ Bá Xồng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống (H.Kỳ Sơn, Nghệ An), cho biết người Mông thường có hai bếp lửa, một bếp to và một bếp nhỏ. Bếp to sử dụng khi có công việc quan trọng trong gia đình và bếp nhỏ để sử dụng nấu nướng vào ngày thường. Gian bếp rất quan trọng với người Mông. Vào mùa đông, sống trên núi cao, trời rất lạnh nên bếp trở thành nơi sưởi ấm của các thành viên trong gia đình. Khi các gia đình làm lễ cúng, làm vía, nhang đốt xong được mang đến cắm ở cạnh bếp. Người Mông quan niệm bếp lửa là biểu tượng của sự ấm cúng, no đủ và bếp sẽ tồn tại mãi.
Phía trên bếp lửa người Mông là gác bếp. Đó là nơi cất giữ thức ăn, cất giữ và hong hạt giống khi trời không nắng. Theo sách Văn hóa người Mông ở Nghệ An của TS Hoàng Xuân Lương, lễ cúng ma bếp của người Mông được thực hiện vào đêm 30 tết, lễ vật là một con gà. Do bếp là vị trí rất quan trọng nên có nhiều nghi lễ và kiêng kỵ. Người Mông kỵ làm đổ nước xuống bếp, nhất là nước cơm vì sẽ bị thiên tai, lũ quét. Không được giẫm chân lên bếp, không được cáu gắt khi nhóm bếp vì nếu vô lễ, ma bếp giận sẽ bỏ đi. Phụ nữ mang thai không được xúc tro bếp. Ai mắc phải các điều kiêng kỵ đó thì làm lễ để tạ lỗi ma bếp. Người Mông còn quan niệm ma bếp còn có tác dụng tiêu hủy ma ác. Vì thế sau lễ cúng trừ ma ác, người ta thường ném sâu bọ - tượng trưng cho bệnh tật, ma ác vào bếp.
Cúng người đã khuất
Người Mông tin con người có linh hồn và linh hồn vẫn tồn tại sau khi thân xác đã chết. Nghi lễ tang của người Mông vì thế cũng khá phức tạp. Theo sách Văn hóa người Mông ở Nghệ An, khi trong nhà có người chết, gia chủ phải báo tin cho bản làng bằng cách bắn 3 phát súng, thổi tù và 3 hồi. Theo phong tục, người chết có bao nhiêu con thì mặc bấy nhiêu bộ quần áo, thể hiện nghĩa hiếu thảo của con cái. Ngày nay, tục mặc nhiều quần áo cho người chết đã được nhiều dòng họ bỏ để thay bằng mảnh vải hoặc khăn.
Nghi lễ cúng người đã khuất được thực hiện hai lần: cúng "ma tươi" (sau khi mới qua đời) và cúng "ma khô" (13 ngày sau khi qua đời). Sau khi có người mất, gia đình mời thầy cúng đến nhà. Thầy cúng đọc bài cúng để chỉ đường cho linh hồn người đã khuất về với tổ tiên. Đây là nghi thức rất quan trọng vì người Mông sợ sau khi chết, linh hồn không được chỉ đường để về với tổ tiên, sẽ bơ vơ. Sau khi cúng xong nghi lễ chỉ đường, người thân người qua đời mới được khóc. Khèn trống nổi lên báo với mọi người rằng linh hồn người chết chào từ biệt để đến với tổ tiên. Ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, cho biết trước đây người chết được để nhiều ngày trên cáng mới chôn cất. Hiện nay, do được vận động, tuyên truyền thực hiện nếp sống mới nên đồng bào Mông đã khâm liệm sau khi chết và chỉ để 1 - 2 ngày là chôn cất.
Nơi chôn cất người đã khuất là những cánh rừng vắng. Những thanh niên khỏe mạnh khiêng người chết chạy rất nhanh đến huyệt mộ. Người Mông không có nghĩa địa chung. Mộ cũng không cải táng vì người Mông tin sau khi chết, linh hồn đã về với tổ tiên. Thông thường, sau tang lễ 13 ngày, người Mông lễ cúng "ma khô" (một số gia đình khó khăn có thể cúng muộn hơn). Ý nghĩa của việc cúng "ma khô" là để đón linh hồn người đã khuất về thăm người thân và nhận vật cúng tế lần cuối cùng, sau đó linh hồn sẽ siêu thoát.
Để làm lễ cúng "ma khô", người Mông làm một cái cầu vá là một vòng tròn to bằng cái nong, được uốn cong bằng tre hoặc nứa. Phía trên được quấn vải lanh đen tượng trưng cho đầu người, vòng tròn được khoác bằng một tấm áo, đứng xa trông như một người ngồi khom lưng, đầu cúi thấp, tượng trưng cho hình nhân người đã khuất. Thầy cúng làm lễ đuổi tà ma rồi gọi hồn người chết, cầu vá được khiêng đi qua cổng chào, rồi hình nhân được đưa vào nhà thăm ma buồng, ma bếp, ma cột chính, bàn thờ tổ tiên. Tang chủ làm thịt một con lợn hoặc dê, thầy cúng buộc sợi dây lanh từ cổ con vật đã giết thịt đến tay hình nhân với ý nghĩa dâng hiến con vật cho người đã khuất.
Sau đó, thầy cúng lấy xương hàm con vật đã giết thịt đem cắm ngoài cổng nhà hàm ý hồn ma chỉ được về đến đó, không được vào nhà. Thầy cúng vừa đọc bài cúng tiễn hồn ma đi, vừa rải hạt đậu tương hoặc hạt kê đã rang chín xung quanh nhà với ý nghĩa nếu các hạt này mọc thành cây thì hồn ma mới được về quấy nhiễu người sống. Sau cùng, thầy cúng cùng đội khèn, trống và những thành viên trong gia đình người đã khuất rước cầu vá ra khỏi nhà, đến một ngã ba rồi đốt hình nhân để đưa tiễn linh hồn người đã khuất siêu thoát.
(còn tiếp)
Bình luận (0)