Cái máy không có tội gì, nhưng vụ án xảy ra là bị 'đóng băng' lãng phí

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/11/2024 16:03 GMT+7

Đại biểu Quốc hội cho rằng, sai phạm do con người còn tài sản, thiết bị 'không có tội gì cả' nhưng khi vụ án xảy ra là bị 'đóng băng' để đấy, gây lãng phí vô cùng lớn.

Sáng 9.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Tại dự thảo nghị quyết, Viện KSND tối cao đề nghị thí điểm 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Việc áp dụng thí điểm từ ngày 1.1.2025, thực hiện không quá 3 năm và chỉ với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo dõi, chỉ đạo.

Cái máy không có tội gì, nhưng vụ án xảy ra là bị 'đóng băng' lãng phí- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Khánh Thu nêu ý kiến tại phiên thảo luận

ẢNH: GIA HÂN

Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, việc quy định các biện pháp thí điểm chỉ áp dụng với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi là chưa thể bao quát hết các loại vụ án, vụ việc liên quan đến tiền, tài sản cần xử lý trong thực tế.

"Tôi ví dụ một vụ án buôn lậu trang thiết bị y tế có giá trị lớn, thậm chí hàng trăm tỉ nhưng không có cơ chế xử lý đến khi ra tòa. Trong khi đó, chúng ta biết rằng buôn lậu tài sản là sẽ bị tịch thu vậy tại sao chúng ta không có cơ chế để xử lý ngay từ đầu", bà Trần Khánh Thu nêu vấn đề.

Bà Thu dẫn chứng vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai là sai phạm trong hoạt động liên doanh, liên kết và hoạt động đấu thầu chứ không phải bản thân máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, khi vụ án xảy ra thì hệ thống máy móc bị "để đấy", tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn.

"Cái máy không có tội gì cả. Thực tế đây là hệ thống trang thiết bị hiện đại, có giá trị điều trị rất tốt nhưng khi xảy ra thì hệ thống máy để đấy 1 - 2 năm không hoạt động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng còn người bệnh không có được thiết bị hiện đại điều trị", bà Trần Khánh Thu phân tích.

Đại biểu Trần Khánh Thu: Máy móc không có tội gì..., nhưng vụ án xảy ra thì "đóng băng" lãng phí

Từ đó, nữ đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị cần quy định theo hướng cho phép thí điểm ở các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo bà Trần Khánh Thu, nếu quy định như vậy, vừa có thể bao quát các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo vì đều là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời vẫn có thể được phép áp dụng với những vụ án nghiêm trọng khác, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cái máy không có tội gì, nhưng vụ án xảy ra là bị 'đóng băng' lãng phí- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến thảo luận tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cùng các đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi thí điểm thêm các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi chỉ đạo.

"T.Ư áp dụng mà địa phương không áp dụng thì rất khó vì đây đều là những vụ án, vụ việc trọng điểm", đại biểu Nguyễn Tạo nêu, và đề nghị có đánh giá tổng kết hàng năm để sửa luật.

Giao vật chứng vụ án cho chủ sử dụng, hao hụt, thiệt hại xử lý thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) thì cho rằng, do các quy định tại dự thảo nghị quyết là vấn đề mới nên bà đồng tình triển khai thí điểm, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá rồi mới sửa đổi luật.

Cùng đó, bà Nga đề nghị sau khi hết thời gian thí điểm, nếu thấy hiệu quả, có thể mở rộng áp dụng thêm đối với các vụ án khác, không chỉ áp dụng riêng với vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định biện pháp giao vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, bà cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa đặt ra trường hợp tài sản, vật chứng bị hao hụt, thiệt hại, không còn nguyên giá trị ban đầu hoặc mất.

Cái máy không có tội gì, nhưng vụ án xảy ra là bị 'đóng băng' lãng phí- Ảnh 3.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

"Trong trường hợp đó thì trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng đến đâu, xử lý như thế nào?", bà Nga nói và đề nghị xem xét bổ sung thêm nội dung này tại dự thảo nghị quyết.

Giải trình sau đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nói đồng tình rất cao các kiến nghị về mở rộng phạm vi thí điểm không chỉ các vụ án, vụ việc diện Ban Chỉ đạo T.Ư theo dõi, chỉ đạo mà cả các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi.

Theo ông Tiến, hiện nay, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã giải quyết những vụ án rất lớn. Do đó, đề xuất của các đại biểu là xác đáng, trách nhiệm với mục tiêu giải phóng nguồn lực đang bị "đóng băng" do liên quan các vụ án, gây lãng phí.

"Đây cũng là chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm, yêu cầu tránh lãng phí. Nhiều dự án bất động sản, những tài sản rất lớn để đóng băng, để kéo dài là điều rất đau xót", Viện trưởng Viện KSND tối cao khẳng định.

Tuy vậy, ông Tiến cho hay, vì đây là những vấn đề rất mới, phải hết sức thận trọng, cần có thí điểm, đánh giá mới có thể mở rộng. Cùng đó, kết luận của Bộ Chính trị cũng cho phép thí điểm ở diện vụ án, vụ việc của Ban Chỉ đạo T.Ư theo dõi, chỉ đạo.

Tại dự thảo nghị quyết, Viện KSND tối cao đề xuất 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Đối với từng biện pháp, đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.