Trồng mướp hương, thu lãi hàng trăm triệu đồng

Trần Thanh Phong
Trần Thanh Phong
01/04/2024 08:00 GMT+7

Mạnh dạn cải tạo 34 công đất phèn mặn, hoang hóa để trồng mướp hương, anh Ngô Hoàng Khiêm (32 tuổi), đoàn viên Chi đoàn ấp Lái Viết Ngọn (xã Ninh Quới, H.Hồng Dân, Bạc Liêu) thu lãi gần 700 triệu đồng/năm.

Biến đất phèn mặn thành nơi hái ra tiền

Anh Khiêm cho biết anh sinh ra và lớn đến ở vùng quê nghèo khó. Gia đình có khu đất rộng nhưng bị nhiễm phèn mặn nên chỉ trồng được một số dừa nước, còn lại để hoang. Tự nhủ phải học tới nơi tới chốn mới có cơ hội thoát nghèo, anh không ngừng nỗ lực và thi đỗ đại học.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ giống cây trồng Trường ĐH Cần Thơ, anh Khiêm xin vào làm việc cho một số doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Đến năm 2021, khi đã tích lũy kha khá kinh nghiệm, anh về quê khởi nghiệp, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trồng mướp hương, thu lãi hàng trăm triệu đồng- Ảnh 1.

Anh Ngô Hoàng Khiêm thu hoạch mướp hương trồng trên đất phèn mặn

TRẦN THANH PHONG

Với kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, anh Khiêm thuyết phục gia đình cải tạo 2 khu đất nhiễm phèn mặn rộng hơn 34 công (1 công bằng 1.000 m² - PV). Anh thuê xáng cạp làm bờ bao xung quanh rồi lên từng liếp nhỏ để trồng mướp hương. Năm 2022, anh bắt đầu trồng mướp hương thương phẩm. Qua 2 năm áp dụng anh thắng lớn, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. "Mướp hương dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thời gian trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 45 ngày. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng và liên tục mỗi ngày. Đặc biệt là đầu ra ổn định. Theo tôi, đây là mô hình phù hợp với vùng đất phèn mặn", anh Khiêm chia sẻ.

Mướp hương dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thời gian trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 45 ngày. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng và liên tục mỗi ngày. Đặc biệt là đầu ra ổn định. Theo tôi, đây là mô hình phù hợp với vùng đất phèn mặn.

Anh Ngô Hoàng Khiêm

Mỗi năm, anh Khiêm trồng 2 vụ mướp, năng suất 2 vụ khoảng 5 tấn/công. Với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí như cải tạo đất, màng phủ, lưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công... anh Khiêm thu lãi gần 700 triệu đồng/năm.

Anh đang áp dụng mô hình trồng mướp theo hướng sản xuất hữu cơ. Theo đó, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, phun xịt các thuốc phòng và trị bệnh theo phương pháp sinh học, đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ sản xuất theo hướng này, sản phẩm của anh được chủ vựa các chợ đầu mối ở TP.HCM hợp đồng bao tiêu hết. Giá được bao tiêu luôn ổn định và cao hơn so với giá thị trường.

Trồng mướp hương, thu lãi hàng trăm triệu đồng- Ảnh 2.

Mô hình trồng mướp hương thương phẩm của anh Khiêm truyền năng lượng tích cực cho các bạn trẻ khởi nghiệp

TRẦN THANH PHONG

Truyền năng lượng khởi nghiệp cho người trẻ

Hiệu quả mô hình trồng mướp hương thương phẩm của anh Ngô Hoàng Khiêm đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân ở vùng đất phèn mặn. Trước đây, nhiều hộ dân bỏ đất hoang hóa, nay đã có 10 hộ liên kết sản xuất với anh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, anh Khiêm cùng nhiều hộ dân ở địa phương chuẩn bị thành lập hợp tác xã, từ đó sẽ tăng sản lượng, có điều kiện tiếp cận nơi thu mua trực tiếp, bao tiêu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngoài trồng mướp hương thương phẩm, anh Khiêm còn trồng xen canh các loại rau màu như cà tím, bông súng. Đồng thời anh thả nuôi cá lóc, cá tra, cá tai tượng... để tận dụng phế phẩm từ mướp, cho cá ăn cỏ nhằm giúp giảm chi phí, tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, anh đang cải tạo thêm đất để trồng mướp đắng thương phẩm. Mô hình này hứa hẹn mang lại nguồn thu không nhỏ.

Mô hình trồng mướp hương trên đất phèn mặn của anh Khiêm đang truyền nguồn năng lượng khởi nghiệp tích cực cho các bạn trẻ ở địa phương. Chị Nguyễn Thị Thúy Duy, Bí thư Huyện đoàn Hồng Dân, nhận xét anh Khiêm là đoàn viên nổi bật của địa phương, có ý chí, khát vọng lập nghiệp và đã thành công. Mô hình sản xuất nông nghiệp anh thực hiện giúp nhiều đoàn viên thanh niên có điều kiện học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế. Huyện đoàn Hồng Dân sẽ thường xuyên đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên lựa chọn áp dụng sản xuất ở quê hương của mình. Đặc biệt, tổ chức Đoàn sẽ vận dụng các nguồn vốn chính sách từ các ngân hàng hoặc quỹ vay vốn để hỗ trợ đoàn viên có nhu cầu khởi nghiệp, làm giàu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.