‘Cãi thầy’

Thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 10 của tôi kể lại. Đầu năm học, có một cậu học sinh khi được gọi lên bảng kiểm tra bài đã đưa vở cho thầy bằng một tay, còn tay kia đút túi quần.

Thấy thái độ thiếu tôn trọng, thầy nhắc em học sinh bỏ tay ra khỏi túi quần, đứng ngay ngắn để trả bài. Tuy nhiên, cậu ta vẫn giữ nguyên tư thế, đầu hơi cúi xuống. Thầy bực mình quá mới đưa thước lên dọa đánh. Theo phản xạ, em đưa tay ra đỡ. Lúc này, thầy mới thấy được, cánh tay ấy không có bàn tay...
Trong xã hội chúng ta, việc làm trái ý thầy, cãi thầy... là một "đạo nghịch". Ở trường, thầy cô "luôn luôn đúng". Học sinh chỉ có nhiệm vụ là răm rắp nghe theo, hó hé cãi thầy cô thì có khi bị liệt vào hàng học sinh "cá biệt" hoặc sẽ bị "đì sói trán".


Thư, bài cộng tác xin gửi về: nhipsongdothi@thanhnien.vn


Hình thức học trao đổi hai chiều ở trường học của ta hầu như không có! Học sinh nêu ra ý kiến của mình cũng dè dặt, thậm chí dò xét thái độ giáo viên và bạn bè chung quanh nếu thấy ý kiến của mình là "quá khác biệt" và dễ bị mọi người cười.
Tôi từng tự hỏi có mấy học sinh dám phản biện bài giảng của thầy cô, thậm chí tranh luận mạnh mẽ - hay nói nôm na là "cãi thầy" - để bảo vệ quan điểm của mình? Có thầy cô nào dám để "cháy giáo án" nhiều ngày cho đến khi tranh luận ngã ngũ? Sau khi ngã ngũ ắt có người đúng kẻ sai, liệu có mấy thầy cô thẳng thắn thừa nhận nếu mình sai trước mấy chục học sinh trong lớp? Câu trả lời là KHÔNG!
Có ai đó đã nói: "Không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn, chỉ có những người ngớ ngẩn không dám hỏi mà thôi”. Nếu không có những tranh luận và phản biện, tất cả môn học đều là môn chính tả. Thầy đọc. Trò ghi chép.
Ở trường học của ta, hầu như môn nào cũng cần phải học thuộc lòng, kể cả những môn ứng dụng như công nghệ, môn sáng tạo như làm văn, và ngay cả tiếng Anh nữa. Tôi đã phải học thuộc lòng không biết bao nhiêu đoạn văn, hội thoại tiếng Anh mà cho đến giờ đi làm cho công ty nước ngoài, nói tiếng Anh lưu loát, tôi vẫn không hiểu để làm gì, ngoài việc trả bài lấy điểm. Và tất cả những môn học thuộc lòng như thế, sau giờ kiểm tra bài, tôi lại "chữ thầy trả hết cho thầy".

tin liên quan

Thầy giáo 21 lần hiến máu tình nguyện
Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành hoạt động thường xuyên của đội ngũ giáo viên trẻ. Người tiêu biểu trong phong trào này là thầy Lê Hữu Phúc (ảnh, 33 tuổi), giáo viên dạy toán Trường THPT Mai Thanh Thế.
Vì thế, phải thú nhận rằng tôi cực kỳ "dốt lịch sử, mù địa lý". Chỉ có một bài học lịch sử mà tôi nhớ mãi. Năm học lớp 6, tiết lịch sử cuối cùng học về lịch sử địa phương. Trước hôm đó cô giáo bảo cả lớp tự tìm hiểu bảo tàng Chăm Pa để chuẩn bị bài cho tiết học sau. Lần đầu tiên đi bảo tàng ở ngay Đà Nẵng nơi mình sống, tôi mới ngã ngửa ra giữa thành phố có một nơi "giàu có" đến như vậy.
Cả một nền văn hóa Chăm Pa được thể hiện vô cùng rõ nét và sống động qua những pho tượng cổ, phù điêu, hoa văn chạm khắc... Tôi chăm chú ghi chép tư liệu và chuẩn bị bài thuyết trình một cách say mê nhất. Giờ học mong đợi cũng đã đến, nhưng tôi không có cơ hội trình bày bài của mình. Vì là giờ học ngoại khóa, học thêm ngoài chương trình, nên cô chỉ hỏi đại khái vài câu. Bạn nào có đến bảo tàng thì trả lời được, không thì cũng chẳng sao.
Vậy mà tôi đã tự huyễn hoặc đó sẽ là giờ học mà các bạn đua nhau nói một cách đầy hào hứng. Rồi sau đó cô giáo sẽ dẫn cả lớp chúng tôi đi đến tận nơi và giảng giải cẩn thận ý nghĩa của từng tấm phù điêu, từng bức tượng cổ. Đó sẽ là tiết học mà chúng tôi thấy lòng đầy tự hào về lịch sử nơi mình sinh ra và lớn lên...
Cách dạy học hiện tại cũng khó có thể tạo nên một thế hệ trẻ tự tin khi các em không thường xuyên có cơ hội phản biện và tranh luận trong lớp. Nếu mỗi đứa trẻ đều xây dựng được niềm tin vào bản thân, chúng sẽ mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình. Sẽ không có chuyện khó xử của cậu học trò với cánh tay không đầy đủ nhưng không dám phân bua để thầy khỏi hiểu lầm.
Tôi luôn ao ước thế hệ con cái không phải học hành khổ sở như bố mẹ chúng. Hãy để trường học là nơi các con tìm thấy niềm vui mỗi ngày. Nơi đó không có áp lực kiểm tra, điểm số. Nơi đó các con được học những gì chúng thích, được tự do "cãi thầy", được thể hiện bản thân theo suy nghĩ của chúng. Nơi đó, các con luôn được là chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.