Tranh luận… tới bến

29/09/2017 08:22 GMT+7

Những bạn trẻ là 'dân' công nghệ đã có phiên tranh luận... tới bến về xu hướng công nghệ, thể hiện góc nhìn đa chiều về việc có nên theo đuổi để thành công.

Đó là nội dung thảo luận trong Ngày hội sáng chế trẻ (Young Makers Day 2017) do Young Makers Vietnam (tổ chức của những bạn được tạo ra với mục đích khơi nguồn cảm hứng và tiếp sức cho các nhà sáng chế trẻ) vừa tổ chức tại TP.HCM.
Đừng ngại sai
Mở đầu phiên thảo luận, Nguyễn Hữu Thuận, học sinh một trường THPT tại TP.HCM, nêu quan điểm: “Nhiều người cho rằng chúng ta tạo ra xu hướng công nghệ, nhưng thật ra là đang đi theo những xu hướng cũ và phát triển lên chứ chúng ta không tạo ra xu hướng nào mới cả”.
Còn Lê Phạm Uyên Ly, lớp 12C2 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM, thì nhận xét: “Trình độ của chúng ta chưa đạt đến mức để có thể tiếp cận được những xu hướng công nghệ như IOT (Internet of Things), trí thông minh nhân tạo (AI)… Vì thế không nên chạy theo xu hướng của thế giới mà quên đi rằng đất nước chúng ta đang bị bỏ lại phía sau. Chúng ta nên cải thiện tốt nhất những gì đang có để phát triển”.

tin liên quan

Cần thúc đẩy tư duy phản biện của giới trẻ Việt
Giới trẻ thường được giáo dục theo kiểu vâng lời, ngoan ngoãn. Trong gia đình, cha mẹ có xu hướng áp đặt, buộc con phải tuân theo. Điều này khiến cho trẻ không dám chủ động lên tiếng để thể hiện quan điểm của bản thân.
Phản biện lại các ý kiến trên, Thu Thảo, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, lập luận: “Về quan điểm của bạn Thuận, mình cho rằng nếu cứ tư duy như vậy thì làm sao sáng chế được những cái mới, làm sao giới trẻ có thể thay đổi được. Còn với ý kiến của bạn Ly, mình nghĩ đúng là đất nước mình còn nhiều điểm yếu, khó có thể nắm bắt được xu hướng mới của thế giới nhưng không thể vì vậy mà ngại thay đổi, hờ hững với cái mới và sợ rủi ro. Mình nghĩ chúng ta còn trẻ nên thử đi, sai thì sửa chứ đừng nên sợ sai, ngại sai”.
Nguyễn Anh Tuấn, học sinh lớp 10A2, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM, đưa ra suy nghĩ: “Nếu đặt ra câu hỏi khi chạy theo xu hướng, liệu mình có bắt kịp được không thì câu trả lời là chúng ta đang làm rất tốt điều đó. Nước ta có rất nhiều nhân tài. Không phải mình thấy cái đó quá tầm với thì mình không với tới được”.
Nói được, làm được
Vũ Thế Anh, học sinh Trường THPT Năng khiếu TP.HCM, thì cho rằng xu hướng mới cũng phải dựa trên nền tảng có sẵn. Như một chiếc điện thoại thông minh cũng xuất phát từ những chức năng sẵn có của chiếc điện thoại “cùi bắp”… Và từ những nhu cầu hiện tại cộng với nền tảng đã có để tạo ra một sản phẩm mới.
Còn với Ninh Sơn, sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì phản biện lại tất cả quan điểm trên. Bởi theo Sơn, “nếu xét về nền tảng công nghệ thì ở VN khác hoàn toàn so với ở Mỹ. Nếu mình là một sinh viên Mỹ, mình sẽ chọn đi theo xu hướng, bởi nước Mỹ có một nền tảng công nghệ rất tốt, họ trải qua tất cả cuộc cách mạng công nghệ 1.0, 2.0, 3.0, 4.0. Trong khi VN chưa trải qua bất kỳ một cuộc cách mạng nào, nhưng lại sắp sửa bước vào cuộc cách mạng 4.0 nên chúng ta phải đi từng bước, từ bước thấp nhất để đến với thành công”.

tin liên quan

Dạy con tư duy phản biện

(TNTS) Chỉ vài ngày sau khi bước vào cấp 3, gái út về nhà thỏ thẻ: 'Mẹ ơi, làm thế nào để có và phát triển tư duy phản biện?'. 

Vẫn giữ quan điểm của mình, Thu Thảo nhấn mạnh: “Tại sao khi tranh luận, chúng ta cứ phải lựa chọn một trong 2 mà không nghĩ đến chuyện chọn và kết hợp cả hai khuynh hướng. Tức vẫn giữ vững nền tảng, nắm chắc cái cũ để tiếp nhận cái mới và từ đó tạo ra một cái hoàn toàn khác biệt của riêng mình”.
Ngô Văn Huy, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt, thì suy nghĩ: “Các bạn cứ nói là nước ta nên thế này, nên thế khác, nhưng nếu chúng ta không làm gì mà chỉ có nói thì VN trong tương lai vẫn sẽ như vậy và chẳng thể bắt kịp hay tạo ra xu hướng mới. Mà quan trọng là những người trẻ như chúng ta phải nói được và làm được. Hãy chọn lọc, nghe bằng trí não và trái tim, sau đó dấn thân để thực hiện và tạo ra xu hướng cho riêng mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.