Cải thiện chất lượng bữa ăn học đường bằng phần mềm

12/03/2019 09:00 GMT+7

Sử dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong công tác chuẩn bị bữa trưa bán trú giúp nhà trường nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, từ đó cải thiện thể chất và trí tuệ cho các em học sinh.

Cách đây 2 năm, khi gửi con vào Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chị Hoàng Thị Quỳnh Luyến, khu đô thị Linh Đàm, có đôi chút lo lắng, dù đây là ngôi trường mới được xây dựng, cơ sở vật chất tương đối tốt. “Bé nhà mình hơi “khó tính” trong ăn uống, lại nhẹ cân hơn so các bạn nên mình rất quan tâm ở trường con có được ăn đủ chất không, có giúp con phát triển và có thể chất tốt hay không? Chỉ sau hơn 1 năm, từ cô bé 22 kg, cháu đã tăng lên 28 kg. Mọi người gặp ai cũng khen dạo này cháu có da có thịt. Bản thân mình thì thấy phấn khởi, thói quen ăn uống của con đã có sự thay đổi rõ rệt, trước đây cháu chỉ ăn thịt băm, trứng rán, giờ biết ăn cả cá kho, đậu phụ, các loại rau xanh…”, chị Luyến cho biết. Những thay đổi tích cực này đến từ việc nhà trường áp dụng những nội dung của dự án Bữa ăn học đường trong công tác bán trú.
Khẩu phần ăn 5 món, đầy đủ dưỡng chất tại trường tiểu học Chu Văn An, Hà Nội
Khẩu phần ăn 5 món, đầy đủ dưỡng chất tại Trường tiểu học Chu Văn An, Hà Nội
Dự án Bữa ăn học đường với phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng được Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng bắt đầu được triển khai tại Hà Nội năm 2017. Dự án nhận được sự hỗ trợ và tư vấn chuyên môn sâu sát từ Viện dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế và sự phối hợp chặc chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác triển khai áp dụng đến các trường. Phần mềm cung cấp cho nhà trường một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng; được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, Trung và Nam. Khác với nhiều đơn vị, Trường tiểu học Chu Văn An không áp dụng ngay thực đơn mẫu mà đề ra một lộ trình cụ thể. Cô giáo Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An, bày tỏ: “Hơn 2.000 học sinh bán trú đang quen với thực đơn truyền thống, làm thế nào để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn theo mùa, thực đơn phải phối hợp từ màu sắc, mùi vị đến cân đối dinh dưỡng… là cả một vấn đề. Nếu đột ngột thay đổi thực đơn mới có thể các con sẽ không quen, lạ miệng, thậm chí là bỏ bữa coi như không thành công. Vì vậy, chúng tôi xây dựng lộ trình áp dụng, từ 1 bữa/tuần, rồi 2 bữa/tuần và đến nay đã áp dụng 5 bữa/tuần. Dù mỗi bữa ăn chỉ 22.000 đồng/học sinh/ngày nhưng chúng tôi xây dựng được một bữa ăn với đầy đủ 5 món, các em được ăn ngon, đủ dinh dưỡng”.
Song song với việc áp dụng thực đơn, áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” cũng được nhà trường triển khai hiệu quả. Trước mỗi giờ ăn, các em học sinh được giới thiệu thực đơn và lợi ích dinh dưỡng của thực phẩm trong thực đơn. Những hiểu biết này giúp trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, từ đó hình thành thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh theo trẻ đến suốt đời. Em Đào Huệ Chi, lớp 3A1, Trường tiểu học Chu Văn An, chia sẻ: “Bữa ăn bây giờ ngoài cơm, canh, thịt cá, rau… còn có kèm thêm hoa quả tráng miệng con ăn thấy ngon hơn. Nhiều món các bác ở trường còn nấu ngon hơn cả ở nhà. Các bạn lớp con không bỏ bữa như trước, ai cũng ăn hết suất. Con mong muốn nhà trường có thêm nhiều món ngon hơn nữa”.
Học sinh được giới thiệu thực đơn và lợi ích dinh dưỡng của thực phẩm trước bữa ăn
Học sinh được giới thiệu thực đơn và lợi ích dinh dưỡng của thực phẩm trước bữa ăn
Tại Hà Nội, đến nay dự án đã được triển khai đến 331 trường tiểu học bán trú. Trong đó, quận Hoàng Mai có 16/18 trường áp dụng thành công, bà Trương Thu Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục quận Hoàng Mai, chia sẻ: “Lứa tuổi tiểu học đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, bởi trẻ bắt đầu học tập kiến thức cũng như tích lũy dinh dưỡng cho giai đoạn phát triển vượt trội của tuổi dậy thì. Trước đây, thực đơn bán trú trong các trường thường dựa vào kinh nghiệm của đầu bếp là chính. Việc cân đối, đa dạng khẩu phần ăn của các trường chưa đồng bộ và chưa thực sự hiệu quả. Dự án bước đầu đã có những thành công nhất định, các trường, phụ huynh tin tưởng và học sinh đều thấy hiệu quả”.
Trong thời gian tới, dự án Bữa ăn học đường sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa tại Hà Nội và các tỉnh thành khác trên toàn quốc, để có thêm nhiều học sinh - thế hệ tương lai của đất nước được thụ hưởng những lợi ích thiết thực từ dự án này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.