Cái tôi dằn vặt, trăn trở trong ‘Tương đối hẹp’ của Thành Dũng

03/01/2021 17:00 GMT+7

Thành Dũng làm thơ có vẻ như là “trò chơi”, nhưng anh có phong cách của một người chơi lịch lãm: biết chơi, chịu chơi và chơi “có nghề”. Cái tôi dằn vặt, suy tư, trăn trở, đậm chất trí tuệ trong thơ anh thể hiện rõ nét qua tập thơ Tương đối hẹp .

72 bài thơ trong Tương đối hẹp là 72 khúc biến tấu của hồn thơ đa cảm Thành Dũng. Ở đó, mọi tình cảm, sắc thái, tâm trạng, nỗi niềm của nhà thơ được phơi trải. Đó là sự tự thức và cũng là tiếng nói đa thanh của một người luôn lắng nghe, cảm nhận mọi điều xảy ra bên ngoài cuộc sống cũng như sự trỗi dậy từ thẳm sâu trong tâm thức.
trăm sông chảy ngược lên ngàn
mưa từ quá khứ mưa sang bên này
hạt ngâu trăng trối mỏng dày
phía thương phía nhớ đọa đày lẫn nhau
(Ảo giác)
Thành Dũng là người có tình cảm đặc biệt với quê hương, xứ sở. Bao nét văn hóa cội rễ, những hình ảnh đã ăn sâu trong tiềm thức của bao thế hệ đang dần bị “xóa sổ”. Do đó, những người nặng lòng với quê hương, nơi mình đã từng sinh ra, lớn lên, gắn bó như anh đều cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc. Về chi em/ quê còn đâu? Câu hỏi nhức nhối cứ vang vọng mãi làm cho chủ thể trữ tình càng ngậm ngùi, day dứt, đau đớn, xót xa:
"Về chi em!/ quê còn đâu?/ cái cò cái vạc cắn câu/ người rồi/ Cạn queo/ sông chết bên đời/ chim về oang oác/ trứng rơi vỡ òa/ Lửa đã cháy/ tận rừng già/ bủa vây kín núi/ người ngoa ngoắt tìm...".
 Rồi:  "… Về chi em!/ quê còn đâu?/ cái nôi đã đổi/ mùa dâu rỗi tằm/ … Về chi em/ về chi em?/ phố phường tha hóa người nằm/ giữ/ nôi".
Con người trong thơ Thành Dũng là hiện diện của nỗi buồn thời đại mình đang sống. Thời đại mà mọi thứ đều có thể xảy ra. Có những điều sẽ đến và những điều ập đến bất thường. Tất cả để lại cho con người đang sống hôm nay những bất an, lo lắng và cả sự hoài nghi. Sự hoài nghi ấy là có cơ sở và hơn ai hết Thành Dũng cảm nhận rất sâu sắc những đổi thay ấy. Anh nhìn nhận và phản ánh trong tâm thế của người từng trải, hiểu rõ mọi nguồn cơn của đời và người. Như trong bài thơ Đôi khi ta có nghe ta?, đằng sau sự dí dỏm, bông đùa lại có ý nghĩa rất sâu sắc về cuộc sống xã hội hôm nay.
Ngôn ngữ là phương tiện hình thức để biểu đạt văn hóa và phần nào thể hiện tài năng của nhà thơ. Thành Dũng vận dụng ngôn ngữ đời thường đưa vào thơ để bộc bạch, giãi bày nỗi lòng mình bằng một giọng thơ theo cách riêng anh và khó trộn lẫn với nhiều nhà thơ đương thời khác. Câu chữ đọc lên nghe gần gũi, thân thương, tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Có những câu thơ mang đậm dấu ấn về cách ăn nói, suy nghĩ của người dân miền Tây: "- trăng lên!/ ừ cũng trăng lên/ - tui buồn!/ ừ cũng mình ên tui buồn" (Chia); "tôi vòng ra bìa mương/ thấy ba tôi xúc tép/ tóc quăn người ướt nhẹp/ thân gầy một nắm xương" (Giấc mơ lạ); "đâu đó trong cơn mê/ thèm chảy nước… tô canh chua bần/ mẹ nấu/ trong cơn mơ/ tôi ực đến ngon lành/ luộc vội chiều/ giấu mẹ, giấu anh/ ra cái bến thì thầm tiếng tơ lòng con gái/ nhớ rụng rời/ cái cầu ao đêm ấy/ cứ bụi bờ rào rạt suốt mùa tôi" (Cứ kho quẹt nỗi buồn tôi).
Bên cạnh đó nhà thơ Thành Dũng cũng rất khéo khi tạo ra cho mình hệ thống những câu chữ, tứ thơ hay với nhiều phép tu từ, cùng với đó là những hình tượng, biểu tượng có sức ám ảnh: "Nốc một vại mùa đông/ nỗi buồn sủi bọt" (Nốc); "ngày mai?/ vét sạch nỗi niềm/ dán lên cành nhớ/ bôi thêm đóa buồn" (Nhểu lòng); "rót trăng tràn chén mà say/ uống đi!/ nhấm nháp đọa đày/ nỗi nhau/ sụt sùi ấm chén bờ lau/ cay xè đọt mắt/ trắng phau phận mình" (Rót); "hạt bụi nứt mầm/ bông cỏ mở mắt/ chiều mồ côi ánh trăng/ mùa gió chướng cắm sào đợi gió" (Khúc dụ ngôn của đất)...
Sứ mệnh của thơ là phải sáng tạo ra cái mới. Vì thế nhà thơ phải không ngừng tìm tòi, vận dụng sáng tạo ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật để đưa vào trang thơ của mình. Và Thành Dũng đã làm khá tốt điều này. Tuy nhiên, có một số hình ảnh, câu chữ, ý đồ nghệ thuật mà nhà thơ gửi gắm trong đó không phải độc giả nào cũng có thể hiểu hết được.
Cuộc sống thời mở cửa đã có những tác động và thay đổi không nhỏ đến mọi mặt đời sống. Số phận con người được nhìn nhận thông qua hàng loạt những sự thật hiện diện trong xã hội hôm nay. Nếu như ở bề nổi con người thời hiện đại được sống trong đủ đầy với nhiều tiện ích do công nghệ mang lại thì ẩn đằng sau đó là những hệ lụy, là mặt trái, là nỗi lo âu. "Quê bây giờ đâu tròn trịa tiếng ve/ mua thúng bán bưng là phận đời khốn khó/ là quán, là bar là hẻm đường hè phố/ là mỗi nụ cười méo móm giữ bờ sương" (Quê bây giờ?).
Tâm tình, thủ thỉ, trữ tình sâu lắng pha chút dí dỏm nhưng cũng không kém phần cay đắng, xót xa là thế mạnh trong thơ Thành Dũng.
"Bầy ruồi đậu/ xuống mâm ăn/ cỗ/ bê bết máu/ nhố nhăng mặt người/ râu ria/ quờ quạng tranh mồi/ chém nhau chí chóe/ vãn hồi hoan ca...".
"cốt ruồi/ dẫu lột tanh banh/ trăm năm tắm trắng/ vẫn nhờn nhợn, hôi!"
 (Ruồi)
Trong Tương đối hẹp, phần nhiều Thành Dũng viết theo thể lục bát, trong đó có nhiều bài lục bát đã phá vỡ cấu trúc và những quy phạm của thể lục bát truyền thống trong cách ngắt dòng, chuyển dòng, chấm câu... đem lại hình thức thơ mới - lục bát cách tân: nhằm diễn đạt tận cùng mọi cung bậc tình cảm, cảm xúc mới mẻ của con người hiện đại. 
Sự sáng tạo mới mẻ trong cách vắt dòng, ngắt nhịp đã đem lại những giá trị thẩm mỹ mới. Bài Khâu là một trong số những bài thơ lục bát cách tân hay và độc đáo của anh. Cách vắt dòng, ngắt nhịp linh hoạt, luân phiên nhau trong cả bài thơ vừa tạo điểm nhấn, vừa có giá trị tạo hình, tăng tính đa thanh, chống lại sự bão hòa cảm xúc đối với người đọc.
Thơ Thành Dũng đọng lại trong lòng người đọc bởi những vần thơ đậm chất trữ tình. Một cái tôi luôn suy tư, trăn trở, canh cánh những nỗi lo âu về cuộc sống nhân sinh. Cái tôi đau đáu trực diện, đôi lúc là tự sự với chính mình như là người trong cuộc. Bằng kinh nghiệm, sự nhạy cảm, trải đời, cộng với năng khiếu sẵn có, bước đầu Thành Dũngđã tạo được những dấu ấn nhất định trong thơ. Tương đối hẹp là thành quả bước đầu mà nhà thơ Thành Dũng đã miệt mài gieo hạt, vun trồng cẩn thận, nghiêm túc trên cánh đồng chữ của mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.