Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực kể từ 1.1.2025.
Bỏ cọc sẽ bị "cấm cửa" đến 5 năm
Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) quy định người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Để chi tiết nội dung trên, Bộ Tư pháp đề xuất trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản do người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, ban hành quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Quyết định cấm tham gia đấu giá gồm các thông tin: tên cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân bị cấm; thời gian cấm; phạm vi cấm; hiệu lực thi hành của quyết định.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định cấm tham gia đấu giá, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá có trách nhiệm gửi quyết định cấm tham gia đấu giá đến tổ chức, cá nhân bị cấm và cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp để đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để công khai cho các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan được biết.
Dự thảo nghị định cũng quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân bị cấm tham gia đấu giá không đồng ý với quyết định cấm tham gia đấu giá thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật.
Thời hiệu áp dụng biện pháp cấm tham gia đấu giá là 1 năm kể từ ngày ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá.
Ngăn chặn hành vi thổi phồng giá trị tài sản
Theo Bộ Tư pháp, quy định cụ thể về xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thống nhất cho việc áp dụng hình thức này trên thực tế. Việc này cũng nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo hiệu quả, chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hạn chế tối đa tình trạng "bỏ cọc" đối với những tài sản đặc thù có giá trị lớn.
Cho ý kiến về dự thảo, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên cũng đồng tình với quy định cấm tham gia đấu giá đối với hành vi bỏ cọc. Quy định này sẽ bảo đảm tính uy nghiêm của pháp luật, nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.
Tại phiên thảo luận toàn thể về những vấn đề còn bất cập của thị trường bất động sản vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở với việc làm thế nào để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi tham gia đấu giá bất động sản.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) đề xuất bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh mình có đủ năng lực tài chính để mua tài sản trong trường hợp trúng đấu giá. Đồng thời, người tham gia đấu giá phải cam kết nếu trúng đấu giá mà bỏ cọc thì sẽ bị xử lý.
"Người thật thì không ngại ngùng gì việc chứng minh, lại còn loại được những người tham gia chỉ với mục đích mua đi bán lại hoặc không vì mục đích mua được tài sản đấu giá", ông Cường nói.
Trong khi đó, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) lại cho rằng tiền đặt cọc chính là mấu chốt để giải bài toán bỏ cọc. Ông Phước dẫn chứng vụ đấu giá mỏ cát tại Quảng Nam vừa qua, giá khởi điểm chỉ hơn 1 tỉ đồng nhưng trúng đấu giá lên tới 370 tỉ đồng, "nguy cơ bỏ cọc là chắc chắn". Hay như tình trạng đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội, mức giá lên tới 262 triệu đồng/m2, "rõ ràng có dấu hiệu bất thường, nguy cơ bỏ cọc".
Vị đại biểu đoàn Quảng Nam nhận định với quy định mức đặt cọc như hiện nay, một số đối tượng sẽ sẵn sàng bỏ ra số tiền đặt cọc để trúng đấu giá bằng được, nhưng rồi bỏ cọc, nhằm lũng đoạn, đẩy giá thị trường lên cao. Do đó, ông Phước kiến nghị tăng mức đặt cọc theo từng vòng đấu giá (lũy tiến), để người tham gia đấu giá cân nhắc trước khi bỏ cọc.
Bình luận (0)