Khoản tài chính dành cho FUV là khoản vay phát triển đầu tiên và lớn nhất đến nay của DFC tại Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ song phương Việt – Mỹ đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là khoản vay đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe của tổ chức này về bình đẳng giới, phát triển con người và xây dựng theo tiêu chuẩn bền vững.
Khoản đầu tư của DFC vào FUV tiếp nối các hỗ trợ trước đó của Chính phủ Mỹ, sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng giáo dục của Việt Nam. Mặc dù sinh viên Việt Nam đạt điểm số cao trong các kỳ thi chuẩn hóa nhưng các nhà tuyển dụng lao động thường xuyên than phiền rằng sinh viên thiếu các kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả. Thực trạng này được phản ánh rõ nét qua tỷ lệ thất nghiệp còn cao của những người tốt nghiệp đại học.
Chia sẻ về điều này, bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Trường ĐH Fulbright Việt Nam, khẳng định: “DFC và FUV cùng chia sẻ cam kết đóng góp cho một nền giáo dục chất lượng và dễ tiếp cận ở Việt Nam. Khoản đầu tư đầu tiên này của DFC vào một tổ chức ở Việt Nam cũng cho thấy niềm tin của DFC vào mô hình phát triển bền vững của Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Sự ủng hộ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chúng tôi trên hành trình xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam và cho Việt Nam để xứng đáng là ngôi trường của những thế hệ lãnh đạo và kiến tạo thay đổi tích cực trong tương lai".
Trường ĐH Fulbright Việt Nam là trường ĐH độc lập, hoạt động không vì lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, với chương trình đào tạo đại học theo mô hình giáo dục khai phóng của Mỹ. Khởi nguồn từ dự luật ngân sách 1991 do Thượng nghị sĩ John Kerry bảo trợ để cấp học bổng cho sinh viên và các cán bộ quản lý nhà nước của Việt Nam sang Mỹ học. Tiếp nối thành công của chương trình này, vào năm 1994, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tài trợ cho Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy tại ĐH Harvard hợp tác với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM để thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trung tâm đào tạo chính sách công đầu tiên của Việt Nam. Cả hai chương trình trao đổi và chương trình đào tạo chính sách công sau đại học hiện nay vẫn đang hoạt động và đã đào tạo hơn 2.000 nhà quản lý và hoạch định chính sách trong khu vực công và tư tại Việt Nam.
Vào năm 2016, trung tâm đào tạo chính sách công do ĐH Harvard ươm tạo được phát triển thành Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đơn vị học thuật đầu tiên của ĐH Fulbright Việt Nam.
Hiện nay, Trường ĐH Fulbright Việt Nam có 3 nhánh đào tạo học thuật: Chương trình đại học (cấp bằng cử nhân khoa học xã hội, bằng cử nhân khoa học, bằng cử nhân kỹ thuật), Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (cấp bằng thạc sĩ chính sách công trong lĩnh vực phân tích chính sách, lãnh đạo và quản lý) và Học viện YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á).
Khuôn viên chính của Trường ĐH Fulbright Việt Nam đang được xây dựng tại Khu Công nghệ Cao Sài Gòn trên khu đất rộng 15 ha được UBND TP.HCM cấp.
Bình luận (0)