Văn hóa chợ nổi thậm chí đã trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia. Nhưng ít ai biết phía sau “xuồng ghe tấp nập” của một điểm du lịch nổi tiếng là một xóm bè nghèo khó, cộng sinh với ghe thương hồ. Ở đó trẻ em luôn đứng trước nguy cơ bỏ học giữa chừng…
Giao thương đường bộ phát triển thì buôn bán ghe xuồng không tránh khỏi sự mai một. Họ phải thay đổi từ mua bán nông sản đơn thuần sang buôn bán nông sản, kết hợp làm du lịch. Nhưng muốn phát triển du lịch, rào cản ngôn ngữ là thứ phải dần vượt qua, ít nhất là với lớp trẻ, những đứa con của chợ nổi. Tôi liên tưởng đến các điểm du lịch khác như: Sa Pa, Đà Lạt..., điều kiện học của trẻ em cũng khó khăn, nhưng các em giao tiếp tiếng Anh rất tự tin nhờ mạnh dạn thực hành.
Ý tưởng mở lớp tiếng Anh giao tiếp miễn phí của tôi hình thành và không ngờ khi chia sẻ với bạn bè, ai cũng ủng hộ nhiệt tình. Một người anh đã bán đi chiếc đồng hồ để ủng hộ kinh phí mở lớp. Cô Lê Thị Huyền, một giảng viên tiếng Anh kỳ cựu ở Trường đại học Cần Thơ, chủ Trung tâm ngoại ngữ Huyền Lê (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), tự nguyện cử giáo viên dạy không công. Rồi một người bạn mới quen là Barry White (Úc) vừa đến Cần Thơ được 3 tháng đã hăng hái xin trợ giảng. Tôi hồi hộp gõ cửa UBND Q.Cái Răng để xin chủ trương và tuyển sinh. Vừa nghe tôi trình bày ý tưởng, ông Vương Công Khanh, Phó chủ tịch UBND Q.Cái Răng, gật đầu chắc nịch. Đích thân ông đã xuống chợ nổi tìm điểm mở lớp, rồi nhờ Phòng Giáo dục, và P.Lê Bình thông báo chiêu sinh. Vậy là lớp học hình thành.
Đã có rất nhiều em đăng ký học trễ; nhiều người liên lạc để hỗ trợ về chuyên môn khi lớp đã đi vào cuối khóa, đành hẹn lại năm sau. Hy vọng, sẽ có thêm nhiều khóa học nữa để trẻ em chợ nổi không chỉ giao tiếp được với du khách nước ngoài mà còn hiểu rằng khu chợ là một tài sản quý giá của quê hương mình, cần trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Bình luận (0)