Cảm ơn vì đã ở lại

Trang Hà
Hà Nội
19/07/2024 09:00 GMT+7

Gần 30 năm cống hiến trong nghề, trải qua mọi cung bậc cảm xúc đắng cay ngọt bùi, người điều dưỡng trải lòng về những lần muốn buông bỏ, nhưng dường như có một sợi dây vô hình nào đó đã gắn kết chị với cái nghề thiêng liêng này, không thể đứt rời.

Chị N.T.H.Y (51 tuổi) được biết đến là một điều dưỡng kỳ cựu tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Sự tâm huyết của chị dành cho nghề suốt mấy chục năm luôn được đồng nghiệp ngợi ca cũng như trở thành nguồn cảm hứng cho những thực tập sinh trẻ tại bệnh viện.

Cảm ơn vì đã ở lại- Ảnh 1.

Chị từng nghĩ chuyển sang một công việc nhàn hạ hơn, nhưng chắc là do duyên số hay sao mà không thể rời bỏ được...

TGCC

Căng thẳng và áp lực

"30 năm qua, tôi đã chứng kiến không biết bao cảnh bố mẹ ôm con gào khóc trong vô vọng, hay những đứa trẻ đỏ hỏn bị bỏ rơi trước cửa khoa, những giây phút căng thẳng để giành lấy sự sống cho các bệnh nhi... Bây giờ nghĩ lại thật sự quá sức tưởng tượng", chị nhớ lại.

Có những đêm cấp cứu bệnh nhân nặng liên tục, những bé sinh non, chỉ tầm 4, 5 tháng và đang trong tình trạng nguy kịch, nằm gọn trong vòng tay y bác sĩ để chuyển đi thở máy. Có các bé chỉ mấy ngày tuổi thiếp đi trong lồng ấp với đủ các dây dợ chằng chịt, máy móc xung quanh, ai nhìn cũng xót xa, nhất là bố mẹ của chúng, họ thậm chí còn không được chạm vào con mình mà chỉ được nhìn qua lồng kính. "Những lúc như vậy, tôi hiểu sứ mệnh của mình không chỉ là cứu một đứa trẻ, mà còn thắp lên những tia hy vọng cho gia đình các bé", chị xúc động.

Chị đứng bên giường bệnh chăm sóc những đứa trẻ, ánh mắt rưng rưng, vừa thương vừa cảm phục vì chúng đang mạnh mẽ chiến đấu trước đau ốm, bệnh tật. Bàn tay bé xíu, đỏ hỏn nắm lấy ngón tay chị như muốn thay cho một lời nhắn nhủ rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi.

Chị vẫn chưa thể quên trường hợp bệnh nhi kém may mắn vì mắc phải dị tật bẩm sinh, chỉ cần nghe tiếng báo động của máy thở, ngay lập tức đội ngũ nhân viên y tế có mặt để làm cấp cứu. Mỗi người đều mang tâm trạng khẩn trương, lo lắng và áp lực, trong tâm tự nhủ: "Con ơi cố lên nhé, các cô đang làm hết sức để cứu con đây, nên con cũng đừng bỏ cuộc", và rồi đứa bé đó cũng không qua khỏi…

Mọi người chỉ biết đứng nhìn nhau nén nỗi buồn sau lớp khẩu trang. Đau lòng nhất là cảnh bố mẹ ôm con khóc nghẹn, chân họ khuỵu xuống, áp mặt lên trái tim non nớt vừa ngừng đập dưới những dây kim tiêm loằng ngoằng.

Dù biết rằng sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng những cảnh ly biệt như vậy bao giờ cũng làm lòng người ta quặn thắt lại... "Nhất là đối với một người rất đặc biệt nhạy cảm như tôi", người điều dưỡng ngậm ngùi.

Cảm ơn vì đã cống hiến

"Đến giờ chị vẫn chưa hiểu tại sao mình lại có thể gắn bó với cái nghề này lâu đến vậy", chị cười. Nhiều lần chị cũng đã muốn buông bỏ do không chịu nổi cảnh bệnh nhân của mình ra đi, hơn nữa việc thức đêm nhiều khiến chị bị mất ngủ thường niên, phải phụ thuộc vào thuốc an thần. Không chỉ vậy, cơn đau nhức xương khớp kéo đến mỗi đêm nhiều lần khiến chị bật khóc vì đau đớn.

Cảm ơn vì đã ở lại- Ảnh 2.

Tấm lòng ấy không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của một bác sĩ, mà như cảm xúc từ trái tim của một người mẹ luôn đau đáu vì con

TGCC

"Tôi cũng từng nghĩ chuyển sang một công việc nhàn hạ hơn đó chứ, nhưng lạ lắm, chắc là do duyên số hay sao mà tôi không thể rời bỏ được", chị hóm hỉnh.

Người điều dưỡng bỏ qua những lo lắng về bệnh tật, bỏ qua những vất vả nhọc nhằn, chị tiếp tục cống hiến để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình khi họ được đón những thiên thần nhỏ trở về nhà, mặc kệ quầng thâm dưới mắt, từng vết chân chim, đôi bàn tay nhăn nhúm lại vì sử dụng nước sát khuẩn hằng ngày.

Chỉ khi chúng ta nhìn cách các y tá, điều dưỡng nâng niu bàn tay bé xíu của em bé đang huơ lên như tìm mẹ, cẩn trọng vỗ về cơ thể bé bỏng như muốn truyền hơi ấm cho chúng mới thấy hết tấm lòng của họ. Giờ đây, tấm lòng ấy không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của một bác sĩ, mà như cảm xúc từ trái tim của một người mẹ luôn đau đáu vì con.

Một cái "không nỡ" nữa khiến chị chọn ở lại nghề đó là tình cảm đáng trân quý của những đồng nghiệp dành cho nhau. Mỗi lần không cứu được bệnh nhân, họ buồn cùng nhau. Đằng sau chiếc khẩu trang, những giọt nước mắt rơi mặn chát. Mỗi lần có những chuyến đi xa, hay chỉ đơn giản là san sẻ miếng xôi, miếng cốm, họ vui cùng nhau. Cứ như vậy, mấy chục năm trôi qua, ngày hôm nay, chị đã có thể nói lời cảm ơn tới những người gắn bó với mình.

Những đồng nghiệp của chị hay nói với nhau, khoa sơ sinh là nơi chỉ có ngày mà không có đêm, bởi đó là nơi ánh đèn không bao giờ tắt và cũng là nơi các bác sĩ không phút nào thảnh thơi. Không thể đếm hết có bao nhiêu bữa ăn tạm bợ, bao đêm thức trắng, bao đêm xa gia đình với lịch trực dày đặc. Thế nhưng, khi hỏi chị rằng chị có từng hối hận khi lựa chọn ở lại không, chị dõng dạc: "Không em ạ!".

Ngành y đem lại sự sống và hy vọng tích cực cho mọi người, người trong ngành coi đó là sứ mệnh thiêng liêng cao cả. Bản thân tôi cảm thấy ngưỡng mộ và cảm phục những người đã, đang và sẽ cống hiến cuộc đời mình cho sứ mệnh ấy. Và cảm ơn chị N.T.H.Y - một người chiến binh áo trắng tuyệt vời đã đồng hành cùng ngành y trong nhiều thập kỷ qua.

Cảm ơn vì đã ở lại- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.