Tiếp tục nhưng cảm thấy chông chênh
Lê Ngọc Xuyến (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết mình theo học ngành báo chí bởi yêu thích công việc liên quan đến làm báo, tuy nhiên sau khi trải nghiệm thực tế thì mình cảm nhận không còn hợp chuyên ngành.
“Khoảng thời gian mình nhận ra là từ cuối năm thứ 2 nhưng ý thức được chuyển ngành sẽ tốn rất nhiều tiền bạc, công sức lẫn thời gian nên mình vẫn giữ nguyện với ngành học như hiện tại”, Xuyến bộc bạch.
Sinh viên năm 3 học trong một lớp học |
MAI THỤY |
Cảm thấy chông chênh, không tìm thấy đam mê nhưng Ngọc Xuyến vẫn cố gắng trải nghiệm những công việc có tính chất gần với ngành học như: quan hệ công chúng, sáng tạo nội dung.
“Dù chưa thật sự tìm kiếm được công việc sẽ gắn bó lâu dài nhưng Ngọc Xuyến cho biết chính những trải nghiệm đã giúp mình hiểu hơn về điểm mạnh, điểm yếu. Mình dự định sẽ tiếp tục gắn bó với công việc quan hệ công chúng để tạo ra nguồn thu nhập và sẽ học văn bằng 2 ngành mình yêu thích đó là văn học”, Xuyến cho biết.
Ngọc Xuyến cho biết "Mình quyết định học thêm văn bằng 2 sau tốt nghiệp" |
MAI THỤY |
C.D.L (21 tuổi), sinh viên ngành logictics Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, chia sẻ: “Do không tìm hiểu kỹ về bản thân lẫn ngành học nên chỉ vào đại học mình chọn ngành “hot”. Đến lớp 12 mình mới bắt đầu chọn ngành vì khoảng thời gian học ở bậc THPT mình chỉ tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, trường mình từng theo học cũng ít khi có các chương trình tư vấn hướng nghiệp từ sớm nhằm tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm thực tế”.
Chia sẻ lý do chán nản với ngành học hiện tại, L. nói: “Logictics không phải đam mê của mình cộng thêm với hướng đào tạo của trường thiên hướng hàm lâm, môi trường không năng động khiến mình ngày càng thêm chán nản”.
Học đến tận năm 3, L. mới tìm thấy thế mạnh và bắt đầu đi làm trái ngành cho công ty truyền thông. Tuy nhiên cô vẫn tiếp tục học: “Công việc hiện tại chỉ dựa vào kinh nghiệm chứ không có chuyên môn vững chắc nên mình nghĩ có một tấm bằng cử nhân dự phòng là tốt nhất”.
Lựa chọn hướng đi mới...
Từng học ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Trần Ngọc Phương Thy (24 tuổi) hiện đang là sinh viên năm 2 ngành sư phạm mỹ thuật tại Trường ĐH Sài Gòn.
Thy chia sẻ: “Đến mãi gần cuối năm 3 mình mới có ý định chuyển ngành. Lý do lớn nhất bởi khi trải nghiệm thực tế mình nhận ra tính cách của mình không hợp với ngành nghề. Ngành đòi hỏi sự lanh lẹ và biết cách giữ mối quan hệ nhưng mình vẫn cố chấp bởi tiếc nuối 3 năm theo học nên cứ nấn ná mãi”.
Tuy nhiên, cộng dồn với áp lực từ thành tích học tập ngày càng đi xuống và sự thiếu nhiệt huyết, đam mê trong nghề, Thy có ý định chuyển sang giáo dục mầm non. Và sau một năm “gap year” (năm tạm dừng) để trải nghiệm và tìm hiểu kỹ hơn, cuối cùng cô quyết định chuyển hẳn sang sư phạm mỹ thuật. “Mình thích giáo dục và làm việc với con người. Khi chứng kiến sự tiến bộ từng ngày của các em, mình cảm thấy bản thân được truyền cảm hứng và động lực”, Thy bộc bạch.
Phương Thy hạnh phúc với quyết định chuyển ngành |
MAI THỤY |
Mặc dù nhận được nhiều lời phản đối từ gia đình nhưng Phương Thy đã chứng minh mình hoàn toàn chắc chắn với quyết định bằng cách vừa học vừa có công việc chính thức là giáo viên mỹ thuật tại một trường học. Bên cạnh đó, cô còn đảm nhận dạy cho thêm hai học viện khác.
“Công việc dù rất căng thẳng nhưng mình lại không thấy quá vất vả bởi có thể áp dụng trực tiếp bài học trên giảng đường qua công việc. Quan trọng nhất là mình được thật sự sống vì đam mê và hoàn toàn phù hợp với công việc”, Thy nói.
Tương tự, Nguyễn Quang Thành (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chuyển từ ngành ngôn ngữ Ý sang ngành triết học từ đầu năm 3. “Mình chọn ngành triết học vì nó giúp trau dồi tư duy, giải quyết vấn đề cuộc sống. Nhờ đó, mà mình sắp xếp công việc tốt hơn và đỡ áp lực hơn”, Thành chia sẻ.
Thành chia sẻ thêm: “Chuyển ngành từ năm 3 thì sợ nhất là ra trường trễ nên trước khi chuyển bản thân đã lên kế hoạch học tập kỹ càng. Đồng thời, xem xét các yếu tố về học tập, đam mê, nghề nghiệp và công việc tương lai. Dù gặp áp lực đồng trang lứa khi bạn bè dần tốt nghiệp và có việc làm nhưng mình luôn hài lòng với sự lựa chọn của mình. Thành tích học tập hiện tại không những có sự cải thiện hơn mà mình còn được học liên thông chương trình thạc sĩ nữa”.
Thạc sĩ tâm lý giáo dục, Võ Minh Thành, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giải thích nguyên nhân: “Ở năm nhất và năm thứ 2 của ĐH, sinh viên chủ yếu chỉ học các môn liên quan đến chương trình đại cương nên vào năm 3 khi được tiếp cận thực tế với chuyên ngành, đặc biệt là đi thực tập thì nhiều bạn đã hiểu rõ bản thân và nhận ra mình không phù hợp với nghề. Ngoài ra, điều này còn thế hiện việc rất nhiều học sinh chưa tìm hiểu kỹ và chắc chắn với lựa chọn nghề. Đồng thời việc tư vấn hướng nghiệp chưa thật sự hiệu quả, có sự đồng bộ và mang tính hệ thống”.
Thạc sĩ Võ Minh Thành cho biết nguyên nhân vì phần lớn các học sinh chỉ chọn ngành khi đã học lớp 12. |
MAI THỤY |
Tuy nhiên, thạc sĩ Võ Minh Thành vẫn khuyến nghị: “Đã học đến năm thứ 3 rồi dù tâm trạng có chông chênh nhưng nếu cố gắng vượt qua để tốt nghiệp lấy được tấm bằng đại học sau đó chọn học thêm ngành khác vẫn không muộn. Các bạn có thể học thêm văn bằng 2 hoặc các chứng chỉ nghiệp vụ ở ngành học mình yêu thích. Như vậy vừa có thể bổ trợ với bằng đại học sẵn có vừa không lãng phí công sức, tiền bạc của cha mẹ”.
“Ngành nghề phù hợp cần đáp ứng 3 tiêu chí: khả năng, sở thích, nhu cầu xã hội. Thứ nhất các trường phải giúp học sinh nhận ra được khả năng bằng cách tìm hiểu, khám phá thực tế ngay từ bậc trung học phổ thông. Thứ hai, nhà trường cần phải giới thiệu các nghề nghiệp cho học sinh: yêu cầu, đặc điểm của từng ngành nghề để từ đó các em có thể so sánh, lựa chọn ngành nghề phù hợp với đam mê của bản thân. Ngoài ra, học sinh cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin, tính chất ngành nghề hoặc trực tiếp hỏi các sinh viên đang học, những người đã hành nghề. Thứ ba, nghề phù hợp là phải đáp ứng với nhu cầu xã hội. Các học sinh có thể tìm hiểu qua những thông tin về cơ hội nghề nghiệp, cập nhật xu thế nghề nghiệp tương lai”, thạc sĩ Võ Minh Thành nói.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM |
MAI THỤY |
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Khi quyết định chuyển sang ngành học khác khi đang học năm thứ 3 đại học thì các bạn phải xác định mình đủ can đảm để bắt đầu lại từ đầu. Còn nếu đi tiếp thì các bạn cũng phải tự xác định được hướng đi, mục tiêu của mình trong tương lai. Quan trọng nhất, các bạn phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cũng cho rằng: “Việc học là cả đời. Khi tốt nghiệp các bạn vẫn phải tiếp tục học, không học từ sách vở cũng học từ thực tế, cho nên đại học chỉ là khởi điểm, là yếu tố ban đầu. Các sinh viên muốn thành công cần phải trải nghiệm và trau dồi các kỹ năng, kiến thức liên quan đến nghề nghiệp. Yếu tố quan trọng nhất chính là ở bản thân sinh viên. Các bạn cần phải tự định hướng, tự học kiến thức và trải nghiệm để có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng”.
Bình luận (0)