Câu hỏi thuế với các "chiến thần chốt đơn"
Đó là thông tin do ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đưa ra trong cuộc họp cuối tuần qua. Cụ thể, cơ quan này sẽ tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử (TMĐT). Danh sách những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó, cơ quan này sẽ tiến hành cưỡng chế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ.
Theo quy định hiện nay, những cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ thực hiện đóng lệ phí môn bài từ 300.000 - 1 triệu đồng tùy thuộc doanh thu từ 100 hay trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, sàn TMĐT… còn nộp thuế thu nhập cá nhân 0,5%, thuế giá trị gia tăng 1% trên doanh thu. Nếu trốn tiền thuế từ 100 đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị phạt từ 100 - 500 triệu đồng, thậm chí bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Thực tế, kinh doanh online ngày càng nở rộ. Đặc biệt rất nhiều người nổi tiếng, các hotgirl, Facebooker, TikToker… đã trở thành "chiến thần chốt đơn" khi livestream bán hàng trên mạng xã hội. Nhiều nghệ sĩ công bố doanh thu các buổi bán hàng với doanh số hàng tỉ đồng, một phiên bán hàng có hàng ngàn đơn được chốt nhưng đóng thuế bao nhiêu vẫn là câu hỏi không lời đáp.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị P.K (kinh doanh quần áo) tại TP.HCM cho biết trước đây thuê cửa hàng mở bán quần áo là chính, còn đăng Facebook, livestream là phụ. Cửa hàng đăng ký theo hộ kinh doanh, đóng thuế khoán. Thế nhưng tình hình buôn bán khó khăn, đa phần đơn hàng bán được đều đến từ livestream.
Do đó, cuối năm 2023, chị P.K trả mặt bằng kinh doanh, ra cơ quan thuế đăng ký tạm ngưng hoạt động. Hàng hóa được chuyển về nhà như một cái kho, rồi bố trí một không gian nhỏ để livestream. Khi khách chuyển khoản thanh toán thì chỉ cần ghi nick Facebook là được. "7 - 8 tháng trôi qua, hình thức kinh doanh này vẫn ổn nên cũng chưa đi đăng ký kinh doanh trở lại", chị P.K cho hay. Điều này cũng đồng nghĩa chị P.K không thực hiện đóng thuế trong khoảng thời gian này. Những người như chị P.K rất nhiều.
Trong năm 2023, Công an Đà Nẵng đã chuyển cơ quan thuế 6 cơ sở kinh doanh TMĐT có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cá nhân, tổ chức này có hoạt động trên địa bàn thành phố thực hiện việc quảng cáo, kinh doanh các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, nước hoa qua mạng xã hội Facebook có doanh thu lớn nhưng chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Bước đầu, cơ quan an ninh đã lập hồ sơ, xác định 6 cơ sở kinh doanh TMĐT với tổng doanh thu bán hàng lên đến hơn 223 tỉ đồng.
Công khai cụ thể mới hạn chế né thuế
Khoảng chục năm trước, việc đóng thuế của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được công bố công khai, ngược lại, những người không thực hiện nộp thuế cũng bị nêu tên rõ ràng. Thế nhưng hiện nay, hầu như không ai biết giới văn nghệ sĩ đóng thuế như thế nào. Một cán bộ thuế lý giải, trước đây, cơ quan thuế tập trung dữ liệu tại Cục Thuế. Từ nhiều năm nay, các chi cục thuế quản lý cá nhân, hộ kinh doanh, trong đó có cả các văn nghệ sĩ. Do đó, muốn nắm được thông tin nộp thuế của giới văn nghệ sĩ phải hỏi từng chi cục thuế quản lý.
"Điều này không phải không làm được mà cần thời gian tổng hợp vì các cá nhân ở các quận, huyện hay tỉnh, thành khác nhau. Trong khi dữ liệu giới văn nghệ sĩ phân tán chứ không còn tập trung như trước. Bên cạnh đó, việc công khai dữ liệu cá nhân, hộ kinh doanh hay các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, các "chiến thần bán hàng" trong thời gian qua chỉ được phép khi họ vi phạm, chây ì nộp thuế theo quy định. Thông thường khi cơ quan thuế có dữ liệu của người nộp thuế và mời lên làm việc, những người này sẽ thực hiện việc nộp thuế, chưa vi phạm đến mức độ công bố công khai theo quy định. Điều này cũng dễ hiểu vì nó liên quan đến tên tuổi của họ. Đó là lý do vì sao thời gian qua tình trạng công bố danh sách cá nhân, hay cụ thể là giới văn nghệ sĩ không còn như trước", vị này cho biết.
Tuy nhiên, theo ông, dữ liệu cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng TMĐT cần được tập trung quản lý để tăng hiệu quả thu thuế hơn, nhất là trong giai đoạn tuyên truyền. Sau khi Tổng cục Thuế tập hợp dữ liệu TMĐT thì giao xuống cho các cục thuế để thực hiện. Đồng thời, thông tin công khai những cá nhân nợ thuế, hay cấm xuất cảnh trong thời gian qua để làm gương.
Thế nhưng theo nhiều chuyên gia, trên thực tế thuế TMĐT thu được rất ít. Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đánh giá trong khi TMĐT ngày càng phát triển, xu thế khuyến khích và nhiều người thực hiện bán hàng online để giảm chi phí thì số thu từ lĩnh vực này còn quá khiêm tốn. Còn quy định công khai hay cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế là biện pháp từ nhiều năm nay rồi nhưng vấn đề là không tìm được đối tượng để có thể công khai, cấm xuất cảnh. "Cơ quan thuế làm sao tìm được doanh số của người bán hàng mới là vấn đề, mới giải quyết được chống thất thu thuế TMĐT", ông Trần Xoa nhấn mạnh và cho biết phần lớn các giao dịch mua bán là chuyển khoản qua ngân hàng.
Vì vậy, cơ quan thuế cần phối hợp với ngân hàng cung cấp dữ liệu thông tin giao dịch của khách hàng. Tất nhiên việc này không phải cầu toàn nắm được hết các giao dịch mua bán của người dân vì có thể có những chuyển khoản với mục đích khác. Tuy nhiên khi tập trung vào trọng điểm những đối tượng là có thể thực hiện thu thuế. "Cứ công khai cụ thể sẽ khắc phục được tình trạng tránh né thuế của đối tượng bán hàng online, livestream", ông Trần Xoa nhận định.
Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2023 đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Các nước ngoài đã nộp là 8.096 tỉ đồng, trong đó đã có 6.896 tỉ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng thông tin điện tử và 1.200 tỉ đồng do các bên VN khấu trừ nộp thay. Đối với Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế, đến nay cũng đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin… Đồng thời, đến nay cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT với số tiền khoảng 275 tỉ đồng.
Mặc dù số thu thuế TMĐT tăng trong những năm qua nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với giá trị hàng hóa và tiêu dùng TMĐT tại VN. Theo số liệu của Bộ Công thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ VN 2023 dự kiến đạt 20,5 tỉ USD, tăng khoảng 4 tỉ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…
Bình luận (0)