Vận chuyển hàng thương mại điện tử quá tải cuối năm

31/01/2024 14:09 GMT+7

Sức mua tăng cao trong thời gian ngắn khiến các đơn vị vận chuyển hàng rơi vào trạng thái quá tải, thậm chí phải tạm ngừng nhận đơn mới.

Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hóa trực tuyến tăng cao, kèm theo đó là áp lực đè lên các đơn vị vận chuyển, đặc biệt là những hãng trong lĩnh vực eLogistics (kho vận phục vụ thương mại điện tử - TMĐT). Những ngày cuối tháng 1, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin hàng loạt nhân viên của Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) - một trong những đơn vị eLogistics lớn tại Việt Nam hiện nay - đình công khiến hàng hóa ùn ứ, không thể lưu thông, đã khiến nhiều nhà bán hàng lẫn người mua hoang mang.

Anh Phạm An (ngụ tại Q.11, TP.HCM) đặt mua giày thể thao của một người bán tại Hà Nội nhưng gần 10 ngày, đơn hàng gửi qua GHTK vẫn trong trạng thái "Đã nhập kho" và không rõ lộ trình. Anh An cho biết, sản phẩm được người bán gửi đi từ ngày 22.1 nhưng tới hết ngày 30.1 vẫn chưa cập nhật tại đầu kho TP.HCM.

Nhu cầu mua sắm cận Tết tăng cao khiến nhiều kho hàng, đơn vị vận chuyển trở nên quá tải

Nhu cầu mua sắm cận tết tăng cao khiến nhiều kho hàng, đơn vị vận chuyển trở nên quá tải

Chụp màn hình

"Gần đây thấy thông tin đình công ở GHTK, nhiều hình ảnh hàng hóa chất đống trong kho không có người xử lý khiến tôi nghĩ tới cảnh lúc nhận thì đã qua tết, hư hỏng sản phẩm, thậm chí là mất hàng", anh Phạm An tâm sự. Thông qua người bán, An cho biết mình không phải trường hợp duy nhất mà có thêm nhiều người nữa trong tình cảnh tương tự và chung mối lo mất hàng.

Ngô Việt - chủ một cửa hàng kinh doanh mô hình ở Hà Nội cho biết giai đoạn này anh buộc phải dừng gửi đơn hàng đi liên miền (ngoài Hà Nội) cũng vì tình trạng quá tải ở một số bưu cục vận chuyển và lo mất, hư hỏng hàng. Anh cho biết: "Có những đơn gửi cả tuần không thấy thay đổi trạng thái kho, nhưng có đơn gửi muộn hơn, cùng nhà vận chuyển đấy thì đến tay khách chỉ sau 2 - 3 ngày. Có thể không có chuyện đình công như trên mạng đồn nhau, nhưng tôi vẫn thấy rủi ro và chấp nhận giảm đơn hàng để tránh thiệt hại".

Cũng theo anh Việt, đã có thời điểm GHTK thông báo ngừng nhận đơn hàng mới để đảm bảo tiến độ xử lý, còn khi trao đổi với nhân viên chăm sóc khách hàng về những mã đơn đang tồn đọng, câu trả lời nhận được rất chung chung như "đang xử lý" và "sẽ giục giao sớm khi đơn hàng về kho".

Trả lời truyền thông gần đây, đại diện GHTK cho biết không có chuyện người lao động "đình công" như trên mạng xã hội loan tin, việc luân chuyển hàng hóa kéo dài bắt nguồn từ nhu cầu tăng đột biến cuối năm. Cụ thể, trong 2 tuần giáp tết, lượng hàng hóa từ các kênh TMĐT đổ vào mạng lưới tăng cao gây ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Để đảm bảo giao nhận, đơn vị phải ngừng nhận đơn ở một số khu vực nhưng sớm mở lại khi tình hình được xử lý.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một sàn TMĐT lớn ở Việt Nam cho biết để đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp tết, đơn vị cũng đã làm việc với các đơn vị vận chuyển để lên kế hoạch vận hành chi tiết. Để hỗ trợ nhà bán hàng trong giai đoạn này, sàn TMĐT cũng cập nhật thời gian xác nhận đơn hàng, đóng gói và bàn giao đơn vị vận chuyển theo hướng có lợi cho người kinh doanh.

Tuy nhiên về phía đơn vị vận chuyển, việc vận hành sẽ có thay đổi theo từng giai đoạn. Cụ thể, các đơn vị sẽ dừng nhận đơn vận chuyển liên tỉnh/thành phố từ cuối tháng 1 để đảm bảo giao hàng trước tết và khuyến cáo người dùng không nên tạo đơn nội tỉnh sau thời điểm 4.2. Các đơn hàng tạo và gửi quá gần thời gian nghỉ lễ của hãng vận chuyển sẽ bị lưu kho để giao sau tết, khi những đơn vị này hoạt động trở lại.

Hoạt động giao nhận ngay trong ngày thông qua đơn vị vận chuyển nội tỉnh có thể hoạt động bình thường đến hết ngày 8.2 (tức 29 tháng chạp) tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.