Câu chuyện lắp camera khiến tôi đau lòng vì những đứa trẻ đáng thương có lẽ đã một thời gian dài chịu cảnh sống trong sợ hãi với một cô giáo thích dùng đòn roi hơn lời giảng, tôi cũng thật sự đau khi thấy giáo dục ngày càng có những câu chuyện đáng buồn.
Người thầy, người làm nghề cao quý đang đứng trước nguy cơ bị theo dõi lén, bị giám sát một cách không công khai. Phụ huynh, bất đắc dĩ trở thành những người lắp camera và thu thập đủ bằng chứng cô giáo đang bạo hành con em họ. Từ tiền lệ này, sẽ còn bao nhiêu lớp học, bao nhiêu phụ huynh sẽ tiếp tục âm thầm lắp camera để theo dõi cô giáo nữa?
Chiếc camera được lắp lén trong lớp học, tôi luôn nghĩ nó như biểu hiện của sự mất niềm tin. Trường học, một nơi những tưởng là an toàn nhất, tin cậy nhất, thì lại trở thành nơi đáng ngờ nhất và người ta phải nghi kỵ nhau, âm thầm theo dõi cả chính người đang dạy dỗ con mình.
Xã hội hình như đang camera hóa, không chỉ lắp camera giám sát bán hàng, theo dõi an ninh trật tự trên đường, xử phạt nguội giao thông, nhà nhà người người lắp camera ở khắp ngôi nhà của mình, để đề phòng kẻ trộm.
Mới đây, mẹ tôi ở quê cũng lắp một cái camera ở phòng khách, dù lúc nào cũng có người ở nhà. “Nằm ở đâu thì mẹ mở điện thoại ra cũng nhìn được xem có ai đột nhập vào nhà mình không”, mẹ nói. “Nhưng nếu trộm đã vào trong nhà được rồi, thì mẹ làm gì?”, tôi hỏi, mẹ ậm ờ “thôi thì nó cũng có cảm giác yên tâm hơn”.
“Cảm giác yên tâm hơn”, đó là cái mà nhiều phụ huynh có thể có khi trong lớp học mầm non hay tiểu học hay các bậc học khác của con cái mình có lắp camera, nhưng gốc rễ của mọi vấn đề, không phải là hai từ “cảm giác”. Nếu chúng ta không thể giải quyết triệt để an ninh, trộm cướp, côn đồ, thì 1.000 hay vô vàn cái camera ở quanh nhà và trên đường cũng vô ích. Và giáo dục không đi từ gốc rễ là giáo dục con người, bằng tình yêu thương để chạm tới trái tim con người, thì lắp camera khắp nơi trong phòng học, hay sân trường, căn tin cũng chẳng thể nào bảo vệ con trẻ và giúp chúng trưởng thành, hạnh phúc!
Bình luận (0)