Cần 12 tỉ USD đầu tư hạ tầng xăng dầu, khí đốt

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/04/2023 07:13 GMT+7

Bộ Công thương ước tính cần khoảng 270.000 tỉ đồng để phát triển hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đến năm 2030. Ủng hộ quy hoạch này nhưng nhiều chuyên gia lo nguồn tiền đầu tư…

Doanh nghiệp trong nước làm được?

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia ngày 30.3, Bộ Công thương đưa con số nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75 - 80 ngày nhập ròng đến 2030 và 90 ngày nhập khẩu ròng đến 2050. Khí đốt dự trữ đạt tối thiểu 15 ngày tiêu thụ. Để thực hiện chiến lược này, Bộ ước tính tổng vốn đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đến 2030 khoảng 270.000 tỉ đồng (gần 12 tỉ USD).

  Cần 12 tỉ USD đầu tư hạ tầng xăng dầu, khí đốt - Ảnh 1.

Dự trữ xăng dầu quốc gia lâu nay vẫn “bỏ nhờ” các kho bể của doanh nghiệp

NGỌC DƯƠNG

Số tiền này bao gồm xây dựng hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) lớn có quy mô hơn, làm kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng mà lâu nay phải gửi ở kho doanh nghiệp… Theo Bộ Công thương, vốn để xây dựng hệ thống hạ tầng này chủ yếu huy động ngoài ngân sách, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Vốn ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên nâng dự trữ xăng dầu quốc gia

Tại buổi họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc lại bất cập của thị trường xăng dầu cuối năm qua và cho rằng quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia là "xương sống" bảo đảm lưu thông năng lượng. Quy hoạch phải giải quyết các bài toán về dự báo nhu cầu thị trường, tương thích với quy hoạch đất đai, năng lượng, môi trường và đô thị. Và xăng dầu, khí đốt thì không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước hay khoán trắng cho doanh nghiệp được.

Trước đó, cuối tháng 2, báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội về một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Bộ Công thương cũng đưa ra con số 4.100 tỉ đồng mỗi năm để mua xăng dầu dự trữ, thuộc về ngân sách quốc gia lo. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỉ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ quốc gia.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng quy hoạch này là cần thiết và đây là cơ sở để bảo đảm an ninh năng lượng. Với ngành xăng dầu, khí đốt, việc đầu tư kho dự trữ quốc gia là vô cùng cần thiết vì liên quan an toàn về cháy nổ, bảo đảm nguồn và kế hoạch dành quỹ đất hạ tầng giao thông của các địa phương. Có quy hoạch rồi, doanh nghiệp và nhà nước "bám" theo đó để làm sẽ rõ ràng hơn. 

Tuy nhiên, khi đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất trong ngành năng lượng cũng cần chú ý đến tính động của quy hoạch vì còn liên quan đến những ràng buộc cam kết giảm khí phát thải của VN với thế giới tại COP26. Tỷ lệ chuyển đổi thế nào từ nhiên liệu hóa thạch sang sinh học một cách tuyệt đối, rồi bao nhiêu phần trăm dành cho dùng điện, khí, xăng, dầu… để bền vững trong tương lai. Quá trình chuyển đổi phải có lộ trình và rõ ràng có tác động đến hạ tầng quy hoạch, không thể quy hoạch cứng được. 

"Còn con số 270.000 tỉ đồng trong 7 năm tới để làm hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt là không lớn. Doanh nghiệp trong nước có thể tham gia được và không khó để huy động vốn", ông Bảo nói.

Tiền đâu đầu tư?

Trái với lạc quan của ông Bảo, các chuyên gia lại khá lo lắng về nguồn vốn đầu tư. Cho rằng kho dự trữ là công cụ can thiệp cung - cầu, giá cực kỳ quan trọng, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định cơ sở hạ tầng riêng của nhà nước phải tính đến…tiền của nhà nước, không nên trông cậy vào doanh nghiệp đầu mối. Thực tế, ngay chính "ông lớn" trong ngành xăng dầu khi thị trường biến động, vẫn chưa dự trữ đủ tốt để cân bằng thị trường. 

"Sau khi có kho rồi, phải có nguồn tài chính lớn để mua xăng dầu về đổ vào kho với một mức đủ giúp ổn định thị trường xăng dầu trong nước trước những biến động. Hiện nay, nhập khẩu xăng dầu dùng ngoại tệ, sản xuất trong nước cũng dùng ngoại tệ để nhập dầu thô. Nay thêm kho dự trữ, cần ngoại tệ để mua xăng dầu về…Thế nên, ngành tài chính cần tính toán các khoản thu để xem xét vấn đề này", ông Ánh lưu ý và nói thêm hiện nay VN chủ yếu áp dụng phương án giao ngay khi kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, có rất nhiều các công cụ mua bán kỳ hạn, mua bán tương lai được sử dụng khá phổ biến, mà chúng ta có thể nghiên cứu, áp dụng.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng: Nguyên tắc dự trữ quốc gia cho mặt hàng an ninh năng lượng bắt buộc dùng tiền từ ngân sách. Nếu ngân sách không có thì đi vay để làm. "Thị trường xăng dầu trong nước và thế giới năm qua cho thấy việc xây dựng dự trữ xăng dầu quốc gia là rất cần thiết. Thậm chí, giờ chúng ta mới đề cập việc xây kho dự trữ xăng dầu quốc gia là quá trễ so với nhiều nước", ông Độ nói.

Cũng bày tỏ ủng hộ ngành xăng dầu, khí phải có kho dự trữ, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, cho rằng có nhiều nguồn để đầu tư như từ ngân sách, từ nguồn hỗ trợ của quốc tế cho các dự án về năng lượng, vay nước ngoài. 

"Vay các ngân hàng thế giới, ngân hàng châu Á không khó, khó là trả nợ. VN là quốc gia đang có tiềm năng tăng trưởng tốt, có dự trữ ngoại tệ tăng, tiềm lực kinh tế lớn và Chính phủ đang phấn đấu để người dân có mức thu nhập trung bình cao. Bên cạnh đó, về vĩ mô, VN vẫn đang có nền kinh tế ổn định hơn nhiều quốc gia sau đại dịch. Cho dù khó khăn đang "bủa vây" doanh nghiệp trong quý 1 năm nay, nhưng nhìn về tiềm lực, chúng ta có môi trường đầu kinh doanh tương đối ổn định, an ninh. Đó là điểm sáng để các tổ chức tài chính nhìn vào khi cho vay. Tuy nhiên, vay lúc này để làm kho dự trữ có khiến áp lực nợ công tăng nhiều không? Theo tôi, giải pháp trước mắt nên giảm số ngày dự trữ từ 75 - 80 xuống 60 ngày chẳng hạn, làm được đã quá tốt. Bên cạnh đó, nên huy động nguồn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước theo kiểu xây thêm kho từ bãi có sẵn và có thể huy động từ đối tác nước ngoài đang bán dầu thô cho VN", chuyên gia Nguyễn Thường Lạng đề xuất.

Đã vay cũng phải tính phương án trả nợ trong khi nợ công nước ngoài của VN không nhỏ. Trong bối cảnh "bóng ma" suy thoái kinh tế toàn cầu, việc vay để làm hạ tầng xăng dầu, khí đốt là thêm gánh nặng nợ công. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc hoặc có thể huy động từ nguồn khác.

PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.